Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao WHO liên tục hối thúc nước giàu tạm hoãn tiêm mũi vaccine thứ ba?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm thứ Ba tiếp tục kêu gọi các nước giàu tạm dừng việc tiêm ngừa liều vaccine thứ ba đến cuối năm để chuyển nguồn vaccine dư thừa sang các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

WHO kêu gọi các nước giàu tạm hoãn kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường
Các quan chức WHO ngày 14/9 nói rằng tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho những người khỏe mạnh là “không cần thiết," đồng thời tiếp tục kêu gọi các nước giàu có ngừng phân phối liều tăng cường vaccine Covid để có thể chuyển số lượng vaccine này tới các nước nghèo hơn với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
 Y tá Mary Ezzat tiêm mũi vaccine tăng cường cho cô Jessica M. tại Trung tâm Y tế UCI ở Orange, bang vào ngày 19/8/2021. Ảnh: Getty
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm thứ Ba cho biết, cơ quan này chưa có đủ dữ liệu khoa học để cấp phép tiêm ngừa trên diện rộng liều vaccine thứ ba.
Trong một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng về vaccine, Tổng giám đốc WHO ngày 14/9 tiếp tục hối thúc chính phủ các nước giàu tạm dừng việc triển khai tiêm liều vaccine tăng cường đến cuối năm này để chuyển nguồn vaccine dư thừa sang các quốc gia có thu nhập thấp.
“Hiện chỉ có 2% lượng vaccine Covid-19 đã tiêm trên toàn cầu được sử dụng tại châu Phi, thậm chí nhiều quốc gia tại châu lục này chưa thể triển khai tiêm ngừa mũi vaccine thứ nhất. Vì vậy, việc một số nước lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường, đặc biệt đối với những người khỏe mạnh, thực sự là không phù hợp" - ông Tedros lưu ý.
Theo báo cáo của WHO, hiện chưa tới 3,5% số người trong diện tiêm chủng tại châu Phi đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Lãnh đạo WHO cho rằng châu Phi khó có thể thực hiện được mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 10% dân số vào cuối năm nay.
Theo Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), mặc dù số ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 tại các nước châu Phi đang tăng mạnh, nhiều hãng dược phẩm lớn đã ưu tiên bán hơn 90% số vaccine của mình cho các nước giàu, với mức giá cao hơn 24 lần so với giá thực tế.
Theo thống kê của AFP, chỉ có 9 liều vaccine được tiêm trên mỗi 100 người tại châu Phi. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 118 liều trên 100 người tại Mỹ, hay 104 liều trên mỗi 100 người tại châu Âu. Châu Á, Mỹ Latinh và Caribe và Trung Đông lần lượt có 85, 84 và 54 liều trên mỗi 100 người dân.
Benedict Oramah, chủ tịch kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi, ngày 14/9 cho biết: “Nếu WHO cấp phép tiêm liều vaccine thứ ba, chúng tôi sẽ phải dành khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho việc mua vaccine ngừa Covid-19”.
Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Phi (AU) ngày 14/9 tuyên bố các nước  châu Phi muốn mua vaccine Covid-19 hơn là chờ đợi vaccine viện trợ.
Phát biểu tại trụ sở WHO tại Geneva, đặc phái viên AU Strive Masiyiwa đã hối thúc các quốc gia sản xuất dược phẩm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu vaccine Covid-19 để tạo điều kiện cho châu Phi có thể tự giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.
Đặc phái viên AU nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là hành động đẹp, song các nước châu Phi không nên dựa chờ đợi, mà thay vào đó đặt mua vaccine từ các nhà sản xuất. Theo ông Masiyiwa, các hãng sản xuất vaccine lớn có trách nhiệm về đạo đức trong việc đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng để chấm dứt đại dịch, song những công ty này lại không trao cho các nước châu Phi quyền tiếp cận vaccine hợp lý.
Thêm hai nước quyết định tiêm mũi vaccine thứ 3
Theo thông báo mới nhất của giới chức Italia, nước này sẽ triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng. Đợt thứ ba của chiến dịch tiêm vaccine ở Italia sẽ tập trung vào khoảng 3 triệu người có hệ miễn dịch yếu nhất. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza đã nói rằng các cơ quan y tế quyết định tiêm liều tăng cường cho những người trên 80 tuổi và trong các viện dưỡng lão. 
 Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Pfizer/BioNTech ở Israel. Ảnh: AFP
Trong khi đó, tại Anh, ngày 14/9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết, chính phủ nước này đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi cần được tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường. Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Javid nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều vaccine thứ ba là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine qua mùa Đông tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh, cũng giống như nhiều loại vaccine khác, hiệu quả phòng bệnh của vaccine Covid-19 cũng giảm theo thời gian, nhất là ở nhóm người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do đó, việc triển khai tiêm liều tăng cường là biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian dài. 
Trước đó, AFP cho biết, Đức hồi đầu tháng 8 thông báo nước này từ tháng 9 này sẽ tiêm mũi thứ 3 cho người già, người trong viện dưỡng lão và người dễ bị tổn thương.
Còn tại Pháp, vào cuối tháng 8, một quan chức chính phủ cho biết, nước này đặt mục tiêu sẽ tiêm mũi vaccine thứ ba cho khoảng 18 triệu người vào đầu năm 2022 sau khi cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu khuyến nghị tiêm bổ sung cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Hôm 14/8, AFP đưa tin chính quyền Mỹ đã cho phép tiêm thêm một liều vaccine Covid-19 tăng cường cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Theo đó, giấy phép sử dụng khẩn cấp cho mũi tiêm thứ ba của vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech và Moderna đã được cấp bởi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Theo FDA, liều vaccine tăng cường dành cho những người ghép tạng rắn hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu tương đương (như nhiễm HIV). 
Trước đó, hôm 30/7, Israel đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ 3 cho những người trên 60 tuổi nhằm tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong nếu nhiễm Covid-19. Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra ở quốc gia Trung Đông từng được đánh giá "đã viết nên câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19"./.