Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viết tiếp truyền thống "đền ơn đáp nghĩa"

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng.
Hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng.

Đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng.

Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021 về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ tháng 9 tới. Theo Nghị định mới, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng (tăng 26,54%). Khi nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng (khoảng 26,54%).

Những con số bằng tiền không thể đo đếm những việc làm chăm lo cho người có công suốt mấy chục năm qua. Nhưng từ những việc liên tục điều chỉnh nâng các chính sách hỗ trợ được xem là quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội dành cho người có công với đất nước và thân nhân các thương binh, liệt sĩ.

Bằng rất nhiều chính sách thiết thực này, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Việt. Chính vì vậy, cùng chăm lo đền ơn đáp nghĩa với người có công đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng được quan tâm, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó là các chính sách như ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khỏe; ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh và người có công... tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực giải quyết những phát sinh và tồn đọng như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.

Chắc chắn rằng việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công sẽ không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay mà còn của mai sau; đó là tình cảm và trách nhiệm đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” sẽ được viết tiếp và kịp thời qua từng chính sách, hành động và tấm lòng của những người con đất Việt.