“Xả trạm” không chỉ là hô khẩu hiệu

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm trầm lắng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 năm nay được dự báo sẽ bùng nổ các chuyến đi trên toàn quốc.

Cùng với đó, nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, tại cửa ngõ nhiều đô thị lớn cũng tăng cao chưa từng thấy. Ùn tắc giao thông trên các tuyến cao tốc, tại cửa ngõ nhiều đô thị lớn trong mỗi kỳ nghỉ lễ đã trở thành nỗi lo thường trực. Một trong những nguyên nhân chính là tình trạng ùn ứ tại nhiều trạm thu phí BOT do đơn vị vận hành không chấp hành yêu cầu “xả trạm”.

Để chuẩn bị ứng phó với diễn biến giao thông phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an, cùng tất cả bộ, ngành, địa phương tập trung toàn lực điều tiết, đảm bảo trật tự, ATGT trên phạm vi toàn quốc. Hà Nội cũng đã điều động hết lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, Thanh tra GTVT… vào phòng tuyến giao thông dịp nghỉ lễ này.

Tuy nhiên, có thể nhiều thời điểm, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô vẫn sẽ rơi vào ùn tắc cục bộ, đòi hỏi lực lượng chức năng phải có phản ứng nhanh, mạnh tức thời mới điều tiết hiệu quả được các dòng chảy giao thông ào ạt đi - đến TP.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo, yêu cầu các trạm thu phí BOT ở cửa ngõ phải “xả trạm” nếu xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT). Như nhiều năm trước đây, Hà Nội chỉ chuẩn bị kế hoạch phân luồng từ xa, điều tiết lượng xe ngay từ cửa ngõ giáp ranh với các địa phương khác, chưa khi nào tính đến việc yêu cầu “xả trạm” thu phí BOT.

Động thái này cho thấy sự thận trọng, lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, khi mọi hoạt động kinh tế xã - hội trở lại bình thường sau giãn cách xã hội.

Từ kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/4) vừa qua có thể thấy, yêu cầu “xả trạm” thu phí BOT để giải toả UTGT chưa được các đơn vị khai thác, quản lý chấp hành nghiêm túc. Dù tuyến cao tốc Hà Nội –Hải Phòng ùn tắc kéo dài vài cây số với lý do hệ thống bị sự cố, đơn vị thu phí vẫn kiên quyết không mở trạm, thông đường.

Sự bất chấp của các DN BOT đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận Nhân dân. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các trạm thu phí BOT phải chấp hành đúng yêu cầu “xả trạm” khi ùn tắc. Quy định, tiêu chí để đánh giá UTGT tại các trạm BOT đã được Bộ GTVT ban hành từ lâu. Rào cản lớn nhất tại đây là ý thức và sự ích kỷ của DN mà thôi.

Lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo cụ thể, rõ ràng đối với các trạm thu phí BOT, phải mở cửa giải toả phương tiện khi xảy ra ùn tắc. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các DN BOT, rất có thể cửa ngõ Thủ đô sẽ chìm trong những dòng xe dài chết lặng nhiều giờ đồng hồ.

Lực lượng chức năng, đặc biệt với CSGT, Thanh tra GTVT Hà Nội cần có sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời mạnh mẽ với nguy cơ này. Đối với các trạm thu phí BOT, nếu cố tình chây ì, gây ùn tắc kéo dài tại cửa ngõ Thủ đô cần xử phạt mạnh tay. Cùng với đó, Chính quyền TP nên chấp thuận, hậu thuẫn cho lực lượng chức năng được cưỡng chế “xả trạm” trong trường hợp cần thiết vì lợi ích chung của Nhân dân và sự nghiêm minh của pháp luật.

“Xả trạm” không phải phép màu để chống UTGT thông, cũng không phải là một khẩu hiệu sáo rỗng chỉ để hô vang. “Xả trạm” khi cần thiết là giải pháp thiết thực nhằm giải toả áp lực giao thông cho Thủ đô trong những ngày cao điểm trước, trong và sau các kỳ nghỉ lễ.