Tăng độ nhận diện cho du khách
Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế, nhằm tạo ra những nét đặc trưng khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Hà Nội với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa phong phú, việc khai thác tài sản trí tuệ đang dần trở thành nhân tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhằm thúc đẩy đưa sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia nói chung và Hà Nội nói riêng và thực hiện nội dung Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP đến năm 2030, chỉ tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 40% và đến năm 2030 là 60% sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính…) chủ lực, đặc thù của Hà Nội được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Năm 2022 – 2023, Sở KH&CN Hà Nội đã tiếp nhận gần 60 đề xuất hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh của TP. Hiện nay, một số địa phương ở Hà Nội như huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây... đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện dự án đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận du lịch địa phương cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, trong bối cảnh cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển, SHTT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, là yếu tố góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đồng thời giúp bảo tồn các tri thức truyền thống. SHTT là một bộ phận của tài nguyên du lịch, đó chính là lợi thế cạnh tranh của địa phương này với địa phương khác, góp phần vào việc tạo ra tính độc đáo, sự duy nhất, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của các điểm đến với nhau. Nhận thức được tiềm năng cũng như những khó khăn trong cạnh tranh giữa các TP về điểm đến, du lịch Hà Nội cần xây dựng nét đặc trưng riêng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để thu hút du khách.
Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển và môi trường cạnh tranh cao, việc bảo hộ nhãn hiệu hay thương hiệu của doanh nghiệp du lịch sẽ được quan tâm nhiều hơn. Điều này không chỉ tạo ra uy tín của doanh nghiệp ở trong nước mà còn hướng tới cạnh tranh du lịch quốc tế trong khu vực và thế giới. “Ngay từ lúc này, chưa bao giờ muộn, việc quan tâm đến bảo hộ, khai thác và phát huy giá trị SHTT để phát triển kinh doanh du lịch sẽ bổ sung cho doanh nghiệp thêm một yếu tố tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường du lịch” – ông Phùng Quang Thắng khẳng định.
Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng ông Phùng Quang Thắng thừa nhận, chưa nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm đến bảo vệ SHTT. Các doanh nghiệp du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, cá nhân tham gia hoạt động du lịch chưa thực sự hiểu đầy đủ về SHTT trong lĩnh vực du lịch. Doanh nghiệp du lịch hay các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ SHTT trong lĩnh vực du lịch trong trường hợp thấy rõ ảnh hưởng đến kinh doanh của đơn vị mình, không có kế hoạch bảo vệ từ xa hoặc lường trước các rủi ro mang đến vì quyền SHTT bị xâm phạm.
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ
Đứng ở góc độ một đơn vị lữ hành, CEO Lux Group Phạm Hà chia sẻ, hiện nay chưa có cơ chế quản lý SHTT về sản phẩm du lịch, các chương trình du lịch dễ bị sao chép, giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu du lịch. Ví dụ, tại Hà Nội đã xảy ra những tranh chấp sáng tạo giữa nghệ sĩ Việt Tú và chúa đảo Tuần Châu liên quan tới bản quyền vở sân khấu thực cảnh “Thủa ấy xứ Đoài” với “Tinh hoa Bắc bộ”. Hay nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội có tên gần giống nhau, gây nhầm lẫn như Hanoitourism, Hanoitourist, Vietnam Tourism, Vietnam Tourist… Một số mất luôn tên miền internet, tranh chấp đã diễn ra nhiều năm…
Do đó, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về SHTT trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp, đơn vị hay cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch cần hiểu rõ và coi SHTT, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa là tài sản. Cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn, ấn phẩm, dữ liệu về SHTT trong du lịch Thủ đô là cơ sở để doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiểu đúng, đầy đủ vai trò của SHTT và thực hành nó trong hoạt động du lịch.
Về cơ chế chính sách cần cụ thể và chi tiết hóa thể chế, chính sách tác động đến khai thác SHTT để phát triển du lịch. Cụ thể các chính sách thừa nhận giá trị SHTT trong du lịch, chuyển nhượng quyền sử dụng SHTT, giải quyết các tranh chấp. Xây dựng hệ thống tiêu chí, xác định giá trị thương hiệu du lịch, nhãn hiệu du lịch giúp du khách nhận diện uy tín của doanh nghiệp và tạo động lực cho doanh nghiệp khai thác SHTT mở rộng kinh doanh.
Mặt khác, Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm sáng tạo, từ đầu vào là tài nguyên di sản văn hóa. Sở KH&ĐT không cho đăng ký tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn khi cấp phép kinh doanh mới.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xác lập SHTT với sản phẩm du lịch, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy góp ý, Hà Nội cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch. Nên xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô, Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng. Mặt khác, coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.