Thế nhưng sau 1 năm, thị trường tiếp tục “bất động”, vốn vẫn “ế” và Chính phủ lại phải “xắn tay” tìm các giải pháp giải cứu.
Còn nhớ giữa tháng 2/2023, khi Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, đã khiến dư luận xôn xao về một cuộc “giải cứu” lớn cho thị trường.
Mặc dù vậy, ngày đó vẫn có không ít ý kiến bày tỏ sự hoài nghi bởi lãi suất gói 120.000 tỷ đồng cũng chẳng thể hiện sự vượt trội về ưu đãi cho DN, khi lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà chỉ thấp hơn từ 1,5 - 2%, so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Đúng là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đến nay sau 1 năm tính từ khi gói vay 120.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước khởi động, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia, với 68 dự án.
Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), TP Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)..., với 30 dự án có nhu cầu vay vốn.
Trong số 30 dự án này, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương, giá trị 95,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang 128,6 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giải ngân 415,7 tỷ đồng cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng. Điều đó cho thấy tiến độ giải ngân quá chậm và nguồn vốn được xem là ưu đãi này vẫn đang bị “ế”.
Nguyên nhân được cho là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng... vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm nên số lượng khách hàng vay vốn mua nhà chưa nhiều.
Cùng đó, khách hàng không đáp ứng tiêu chuẩn đối tượng được hỗ trợ lãi suất; tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền... Đồng thời, bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên DN không có nhu cầu.
Và để giải ngân hiệu quả gói tín dụng này, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ bằng cách hạ lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, hạ lãi suất cho vay cũng chỉ là một trong những kế sách để thúc đẩy thị trường bất động sản thoát khỏi cơn bĩ cực, vì vấn đề các DN bất động sản đang vướng và ảnh hưởng tới sức khỏe của họ chính là về pháp lý dự án.
Nếu không gỡ được vướng mắc này thì có vay tiền cũng chẳng để làm gì, nhất là khi các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai phải tới 1/1/2025 mới có hiệu lực và điều này cũng đồng nghĩa với việc DN vẫn phải ngóng cổ chờ những Nghị định hướng dẫn triển khai, Luật đi vào cuộc sống.
Dự kiến, ngày mai (16/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Tiếp nối hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng chủ trì hôm qua (14/3), cộng đồng DN cũng như người dân kỳ vọng, với sự xắn tay vào việc tìm giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, những khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, các dự án nhà ở xã hội sẽ được tháo gỡ, khơi thông.