CPI 2 tháng đầu năm tăng mạnh, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng 1/2022; tăng 1,42% so với cùng kỳ 2021. Tính chung, CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021.
CPI 2 tháng đầu năm tăng mạnh, trong đó, sự căng thẳng đến từ mặt hàng nhiên liệu thiết yếu là xăng, dầu vẫn tiếp tục trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã cho thấy hàng loạt các nguy cơ và sức ép với nền kinh tế. Trong đó, xung đột giữa Nga – Ukraine khiến nguồn cung xăng, dầu bị ảnh hưởng khi mà nhu cầu xăng, dầu tăng lại đúng vào thời điểm các nước, trong đó có Việt Nam, triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Thực tế này cộng với việc Liên bộ Tài chính - Công Thương tiến hành điều chỉnh giá xăng lần thứ 6 liên tục với mức tăng kỷ lục 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 547 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng từ 469 đồng - 536 đồng/lít/kg từ 1/3 khiến gia tăng sức ép lên CPI.
Ngoài ra, giá gas biến động theo giá tăng của mặt hàng này trên thị trường thế giới, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng vì nhu cầu sửa chữa đầu năm và nguyên vật liệu tăng, giá gạo tăng theo giá xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng đặc biệt cao trong dịp Tết Nguyên đán… cũng là những nguyên nhân không nhỏ tác động đến CPI.
Xăng, dầu phi mã, hàng loạt mặt hàng đứng trước nguy cơ tăng giá từ mớ rau, con cá, đến giá cước vận tải, giá vốn của nhiều DN. Trong khi Covid-19 đã khiến thu nhập người dân suy giảm, mặt bằng giá tăng cao như một “cú bồi” khiến sức cầu lao dốc. Trước thực tế trên, hàng loạt các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra.
Mới nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao các cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng, dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, DN về đảm bảo cung ứng xăng, dầu trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cân đối cung - cầu, không để thiếu hụt nguồn cung và tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế đưa ra. Phía các Bộ liên quan là Công Thương, Tài chính… đã tăng cường kiểm tra và đề xuất một số giải pháp như giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn thị trường xăng, dầu.
Theo các chuyên gia, việc Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đồng loạt vào cuộc trước tình hình giá xăng, dầu vẫn căng thẳng hiện nay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, câu chuyện tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng găm hàng, đầu cơ cũng rất cần quan tâm. Và phạt nặng, phạt đủ sức răn đe cũng là giải pháp giúp ghìm cương những căng thẳng trên thị trường nhiên liệu thiết yếu này.