Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng cơ chế tự chủ bệnh viện: Không thể nóng vội

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm triển khai, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên. Phải chăng đây là giải pháp căn cơ cho các bệnh viện?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh viện (BV) Bạch Mai cùng với BV K 2 năm qua thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, tuy nhiên, những khó khăn bủa vây khiến cả 2 BV lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ chi thường xuyên theo nhóm hai Nghị định 60.

Theo Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ, BV thực hiện tự chủ trong điều kiện hết sức khó khăn do vướng vào dịch bệnh. Mặc dù BV đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên trong suốt 15 năm qua, nhưng với các thiết bị y tế thực hiện theo hình thức xã hội hóa thông qua liên doanh, liên kết gặp nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hoạt động tự chủ toàn diện.

Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, cơ chế ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết lỏng lẻo, văn bản pháp quy có bất cập nên không có nhà đầu tư nào dám tham gia.

Trong khi đó, BV không có ngân sách để mua thiết bị, chi thường xuyên, chi lương và thưởng đều không đủ. Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của BV rất thấp. Dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế, BV hầu hết thu đúng bằng giá BHYT. Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng BV chưa bao giờ được tự chủ về giá, hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy dẫn đến thu không đủ để chi.

Nếu tự chủ toàn diện, cần phải có lộ trình, trong đó bao gồm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật, mệnh giá thẻ BHYT cũng phải tăng lên và có nhiều mức đóng để người đóng cao được chi trả cao. Người diện chính sách, người nghèo thì được hỗ trợ.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng, BV Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện và xin tự chủ một phần là đúng, là hợp lý. Theo các ĐB, có nhiều nguyên nhân, trong đó rất nhiều văn bản quy định cụ thể hơn chưa có dẫn đến lúng túng.

Bên cạnh đó, bản chất của vấn đề tự chủ toàn diện gần như bị sai bởi đây là hình thức tư nhân hóa các BV công. Với việc thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị định 33 khi mọi khâu chuẩn bị chưa xong, chưa đầy đủ đã dẫn đến các máy móc, công việc đang theo cơ chế này bây giờ lại chuyển sang cơ chế khác, cắt hết nguồn đầu tư, từ đó khiến BV bị bế tắc. Những bất cập trên đều do “cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các BV công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các BV được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh (KCB); về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động KCB; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của BV, kể cả nguồn thu từ ngân sách...

Bên cạnh đó cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế và cơ chế quản lý tài chính đối với BV tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển...

Ngoài ra, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động với BV tự chủ. Để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, nên kết cấu các nội dung quy định về tài chính và tài sản thành một chương là tài chính - tài sản của các cơ sở KCB.

Khi xây dựng cơ chế tự chủ cần thận trọng, chắc chắn không thể nóng vội làm theo phong trào và phải giữ chân được người tài, người giỏi làm việc ở khu vực công. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển, sẽ tự chủ toàn bộ, có như vậy, chất lượng dịch vụ ngày một tăng và việc phục vụ người dân ngày một tốt hơn.