Xót xa chuyện trẻ con làm mẹ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc hai nữ sinh lớp 5, lớp 7 ở Phú Thọ, Bắc Giang mang thai, sinh con khiến dư luận không khỏi xót xa.

Vấn đề quan hệ tình dục sớm, giáo dục giới tính, quan tâm sát sao đến con trẻ… một lần nữa trở thành câu chuyện nhức nhối đặt ra cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Tình trạng trẻ em mang thai, sinh con không còn là trường hợp hy hữu mà đã trở thành vấn nạn báo động của toàn xã hội. Đáng nói, trong quá trình các em mang thai, sinh con hoặc đến cận ngày sinh nở, gia đình, thầy cô, bạn bè mới phát hiện, thậm chí không hề hay biết.

Với trường hợp học sinh lớp 5 ở Phú Thọ, gia đình thuộc hộ nghèo, mẹ đi làm xa, em sống với người cha đau ốm và nghiện rượu nên ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc. Việc em mang thai được mẹ phát hiện trong một lần về thăm nhà và thấy con tăng cân bất thường.

Còn các thầy cô giáo và bạn bè - những người nhìn thấy em hàng ngày trên lớp thì cho rằng: “Em có thể chất phổng phao, lớn trước tuổi, lại rất vô tư nên tuy có thấy em béo lên nhưng chẳng ai nghĩ em mang thai”.

Trường hợp ở Bắc Giang đau lòng, ám ảnh hơn khi không một ai đặt nghi vấn hay phát hiện bất thường của em trong suốt thai kỳ cho đến khi em tự sinh con… trong nhà tắm.

Hai nữ sinh làm mẹ ở tuổi trẻ con - lứa tuổi quá ngây thơ, đang trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần và chưa hề có nhận thức xã hội. Đối tượng làm các em mang thai, sinh con sau đó đã bị bắt giữ, khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật. Những sinh linh bé bỏng mà các em sinh ra, lớn lên không được hưởng sự chăm sóc, tình yêu thương của cha mẹ và sẽ trở thành nỗi đau, thậm chí là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Theo các bác sĩ, thai phụ là trẻ em hoặc ở độ tuổi vị thành niên thường phải đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé trong suốt thai kỳ cũng như hành trình "vượt cạn". Trẻ vị thành niên mang thai, sinh con có tỷ lệ trẻ dị tật cao. Sau sinh, nếu các em không được người thân quan tâm, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí là tự tử...

Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Bộ Y tế công bố tháng 4/2022 cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục ở học sinh độ tuổi trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, từ mức 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019). Thực trạng báo động trên cho thấy, công tác giáo dục giới tính tuy đã được thực hiện tại các gia đình, nhà trường nhưng cách làm chưa đúng nên hiệu quả còn hạn chế. Người lớn và thầy cô vẫn có xu hướng ngại, lảng tránh các vấn đề tình dục, giới tính và thường có thái độ phản đối, dọa nạt, ngăn cấm các con yêu sớm

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản T.Ư thì mạng xã hội đang phát triển chóng mặt, trẻ em dễ dàng tiếp cận với những nội dung nhạy cảm và học hỏi theo nên gia đình, thầy cô cần cởi mở hơn trong giáo dục giới tính cho trẻ. Việc cấm đoán trẻ các thông tin về giới tính, tình dục thường thất bại. Trẻ chỉ có đầy đủ thông tin để đi đến quyết định đúng khi được giáo dục đúng.

Từ phân tích này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, thay vì lảng tránh, gia đình và nhà trường cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ. Cùng với gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể xã hội, trong đó có Bộ Công an cũng cần tích cực hơn trong chỉ đạo, tăng cường biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục, giao cấu với trẻ em. Chỉ khi cả xã hội cùng chung tay vào cuộc mới góp phần hạn chế những câu chuyện đau lòng về làm mẹ ở “tuổi ô mai”.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần