Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu bất ngờ tăng vọt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu trong tháng 7 vừa qua đạt mức tăng cao nhất kể từ khi Moscow ngừng vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream vào tháng 8/2022.

Nhu cầu và giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng do thời tiết nóng hơn bình thường trong bối cảnh rủi ro về nguồn cung vẫn còn.

Nhu cầu khí đốt của châu Âu  trong tháng 7  tăng mạnh do thời tiết nóng hơn bình thường. Ảnh: AP
Nhu cầu khí đốt của châu Âu  trong tháng 7  tăng mạnh do thời tiết nóng hơn bình thường. Ảnh: AP

Theo tập đoàn thông tin năng lượng (Energy Intelligence Group) của Mỹ, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu tăng mạnh trong tháng 7 và đạt mức cao nhất kể từ khi nước này ngừng vận chuyển khí đốt qua tuyến Nord Stream vào tháng 8/2022.

Trong tháng 7 vừa qua, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã cung cấp khoảng 2,7 tỷ mét khối cho châu Âu, tăng 34% so với mức của tháng 6, Energy Intelligence Group tính toán dựa trên dữ liệu truyền tải khí đốt.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 32% so với lượng cung cấp của Gazprom vào cùng kỳ năm ngoái, khi tập đoàn khí đốt Nga vẫn vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream đến Đức, mặc dù khối lượng đã bị hạn chế. Gazprom đã dừng vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream vào cuối tháng 8/2022 và tiếp tục chỉ sử dụng hai tuyến đường ống - quá cảnh qua Ukraine và đường ống Turk Stream.

Dòng chảy khí đốt qua Turk Stream tăng kỷ lục

Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu trong tháng 7 đã chạm đỉnh trong 11 tháng chủ yếu nhờ sự gia tăng mạnh của dòng chảy Turk Stream cung cấp cho phía Nam và phía Đông của châu Âu. Sự gia tăng một phần do đợt nắng nóng kéo dài đã thúc đẩy nhu cầu hạ nhiệt ở miền Nam và miền Trung châu Âu. 

Dòng chảy khí đốt sang châu Âu qua đường ống Turk Stream tăng kỷ lục trong tháng 7. Ảnh: FT
Dòng chảy khí đốt sang châu Âu qua đường ống Turk Stream tăng kỷ lục trong tháng 7. Ảnh: FT

Trong 2 tuyến đường ống cung cấp cho châu Âu, dòng chảy khí đốt Turk Stream nhạy cảm hơn với sự biến động về giá và nhu cầu so với dòng khí quá cảnh qua Ukraine cung cấp cho một số thị trường hạn chế ở trung tâm châu Âu.

Dòng chảy qua Ukraine chỉ tăng 3,9% trong tháng trước, trong khi xuất khẩu qua Turk Stream hướng tới châu Âu đã tăng 82% trong cùng thời điểm và tăng 5% trong năm lên khoảng 1,4 tỷ mét khối khí (Bcm).

Vào tháng 7, dòng chảy khí đốt qua Turk Stream sang Hungary và Hy Lạp cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, lần lượt là 67% (đạt 620 triệu mét khối khí mỗi ngày - MMcm) và 94% (khoảng 190 triệu MMcm) so với tháng trước.

Công suất hoạt động của đường ống Turk Stream trong tháng 7 cũng tăng 7% so với tháng trước đó. Trong ngày 1/8, công suất vận chuyển khí đốt sang châu Âu của Turk Stream cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục 50,9 MMcm/ngày, theo dữ liệu truyền tải.

LNG của Nga chuyển hướng sang châu Á

Trong khi xuất khẩu khí đốt tăng, xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng  (LNG) của Nga sang châu Âu giảm 18% xuống 950.000 tấn trong tháng 7, do nhà máy Yamal của tập đoàn Novatek tăng cường vận chuyển đến châu Á qua tuyến đường Biển Bắc về phía Đông, theo dữ liệu của Kpler.

Nhà máy Yamal đã cung cấp 880.000 tấn cho châu Âu vào tháng trước, giảm so với 1,03 triệu tấn trong tháng 6, trong khi xuất khẩu của họ sang châu Á tăng từ 370.000 tấn lên 650.000 tấn.

Sản lượng khí đốt giảm

Do xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu giảm mạnh từ mùa Hè năm 2022, đặc biệt sau khi Nga dừng vận hành đường ống Nord Stream, sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga trong 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 362 Bcm, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 7, sản lượng khí đốt của Nga chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 42,6 Bcm.

Nga đã giảm đáng kể lượng khí đốt đến châu Âu kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2/2022.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Song kể từ tháng 7/2022, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.

Đường ống Nord Stream 1 đã không hoạt động kể từ cuối tháng 8/2022 khi nó được ngừng hoạt động để bảo trì. Tuy nhiên, đường ống này chưa bao giờ khởi động lại khi Nga và phương Tây tranh cãi về việc bảo dưỡng một tuabin do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 hồi tháng 9 năm ngoái.

Nord Stream 2 có quy mô tương tự đã được hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng chưa vận hành do căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng và gặp phải những rắc rối do các cơ quan quản lý của Đức từ chối chứng nhận nó. Đức sau đó đã đóng băng dự án vào vài ngày trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.