Ấn Độ từ lâu đã được xem là quốc gia "hậu cần" của thế giới. Cách gọi đó vẫn đúng trong nhiều thập kỷ khi quốc gia Nam Á tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trọng tâm kinh tế của Ấn Độ đang dần chuyển sang mục tiêu mới khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố thúc đẩy sản xuất để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2047.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ nổi lên như một cường quốc dẫn đầu về dân số, chiếm khoảng 18% tổng dân số thế giới. Đặc biệt, hơn 1 tỷ người ở Ấn Độ đang trong độ tuổi lao động, cho thấy tiềm năng và nguồn nhân lực to lớn của quốc gia Nam Á này.
Việc chính phủ khởi động sáng kiến "Make in India" (Sản xuất tại Ấn Độ) vào tháng 9/2014 là tiền đề cho các nỗ lực đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Mục đích của sáng kiến này rất rõ ràng: phát triển năng lực sản xuất ở Ấn Độ trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử, dược phẩm và hàng không vũ trụ, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Trong 10 năm kể từ khi khởi động sáng kiến này, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau như Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước làm việc lâu dài tại Ấn Độ.
Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) được chính quyền Thủ tướng Modi công bố vào năm 2020 nhằm khuyến khích thu hút đầu tư và sản xuất trong nước mặt hàng điện thoại, điện tử và đến nay bắt đầu có hiệu quả.
Với khoản đầu tư 1,97 nghìn tỷ rupee Ấn Độ (24 tỷ USD), 14 lĩnh vực sản xuất tại Ấn Độ đang nhận được sự hỗ trợ từ PLI để giảm nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm.
Từ trung tâm công nghệ đến nhà sản xuất iPhone
Để chứng kiến sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế của Ấn Độ từ một trung tâm công nghệ đến nhà sản xuất, thành công không nhỏ của quá trình này phải kể đến sự đóng góp quan trọng từ "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ ở Bengaluru.
Và cách "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ khoảng 65 km về phía Đông Bắc ở quận Kolar, một cơ sở khác do Tập đoàn Tata sở hữu hiện đã trở thành nơi sản xuất iPhone cho “ông lớn” công nghệ Apple. Tập đoàn Tata hiện là doanh nghiệp Ấn Độ đầu tiên sản xuất iPhone sau khi mua lại hoạt động của Công ty Wistron của Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 10/2023.
Trong khi đó, một cơ sở sản xuất iPhone khác cách Bengaluru 45 km sẽ sớm đi vào vận hành tại Doddaballapura. Dưới sự điều hành của Foxconn - nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, cơ sở này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 20 triệu chiếc iPhone mỗi năm sau khi đi vào hoạt động chính thức.
Theo Thủ tướng Narendra Modi, với 14% iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, quốc gia này hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc. Hãng Apple có kế hoạch tăng con số này từ 24% - 25% trong giai đoạn 2027-2028.
Tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) cũng là một trong số các nhà sản xuất tích cực thiết lập hệ thống cửa hàng tại Ấn Độ nhằm tận dụng nguồn lao động dồi dào ở đây. Hiện Foxconn có hơn 30 nhà máy tại Ấn Độ và đã tuyển dụng khoảng 40.000 công nhân.
Giống như Tập đoàn Tata, các công ty Ấn Độ khác cũng đã tham gia vào xu hướng này, ví dụ như Dixon Technologies - một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Ấn Độ. Công ty bắt đầu từ việc sản xuất các tiện ích từ thiết bị gia dụng và hệ thống giám sát tiêu dùng trong nước đến sản xuất điện thoại thông minh để xuất khẩu.
Thế mạnh trong sản xuất dược phẩm và ô tô
Ngoài thiết bị điện tử, New Dehli cũng có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và ô tô, một phần nhờ vào chiến lược "Trung Quốc cộng một" để thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động.
Theo ông Samir Kapadia - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty B2B marketplace India Index, ngành sản xuất của Ấn Độ đã chứng kiến sự tăng trưởng "đáng chú ý", chủ yếu nhờ việc phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng trong 2 thập kỷ gần đây.
Ông Kapadia khẳng định, những thay đổi về cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ đã giúp nước này cải thiện khả năng kết nối trong và ngoài nước, đưa New Delhi vào một sân chơi rất khác so với 10 năm trước, kể từ khi sáng kiến 'Make in India' bắt đầu triển khai.
Vào đầu năm nay, cuộc khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll thực hiện cho biết khoảng 56% trong số 500 nhà quản lý cấp cao của Mỹ mong muốn Ấn Độ tiếp tục là nhà cung cấp cho chuỗi cung ứng của họ trong vòng 5 năm tới.
"Những gì Ấn Độ sẽ làm còn ấn tượng hơn nhiều.Tôi tin rằng toàn bộ lực lượng lao động dồi dào của nước này và hy vọng đây sẽ là động lực để tạo nên bước ngoặt cho quốc gia Nam Á tham gia vào các ngành công nghiệp khác như chất bán dẫn, sản xuất tiên tiến, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế"- ông Kapadia nói với CNBC.