Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 1
Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 2

>>> BÀI 1: Đường lớn đã mở

>>> BÀI 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa

>>> BÀI 3: Chưa hết khó khăn, trở ngại

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 3

Cứ mỗi khi homestay đón khách, Tráng Thị Dụ cùng chồng Hàng A Tơ, em gái Tráng Thị Dụa, Tráng Thị Chư cùng các nhân viên khác của A Chu homestay (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đều phải dậy rất sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Tùy theo lượng khách đặt đông hay ít mà khối lượng công việc cũng chạy theo guồng quay nhanh hay chậm. Thậm chí, cô gái trẻ nhiều khi còn phải địu con trên lưng trong khi chuẩn bị bữa sáng, bởi đứa nhỏ còn đang say sưa ngủ.

Trong bộ váy của dân tộc Mông sặc sỡ, Tráng Thị Dụ thoăn thoắt thái thịt nguội xông khói thành từng lát mỏng, xếp gọn gàng vào đĩa rồi trang trí, để phục vụ khách ăn bánh mỳ (món Tây). Xong cô lại thái hành tây, cà rốt thành hạt lựu để làm món cơm chiên… Tâm sự với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Tráng Thị Dụ cho biết, cô cũng được học sơ qua về nấu nướng, cả món Âu lẫn món Á và các món ăn của dân tộc Mông. “Thế nhưng, em vẫn chưa tự tin lắm về tay nghề của mình, hôm nấu khách khen ngon, hôm khách lại bảo chưa ngon. Nếu được đào tạo chuyên sâu thì quá tốt” – Tráng Thị Dụ nói.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 4

Tráng A Chu – chủ A Chu homestay cũng chia sẻ, anh biết ơn chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình – Giám đốc CBT Travel rất nhiều bởi người “sư phụ” này (theo cách gọi thân thương của anh) đã cầm tay, chỉ việc cho vợ chồng A Chu, từ việc setup homestay, trang trí nhà cửa lẫn cách quản lý, phục vụ. “Giai đoạn đầu làm du lịch tôi chưa có kinh nghiệm. May mắn là thầy Dương Minh Bình từ Nam bay ra, chỉ bảo từng li từng tý một. Bác ấy còn bỏ tiền túi đi chợ mua đồ, lên thực đơn 4 bữa rồi dạy cách nấu nướng cho vợ chồng tôi để không bị trùng món, khách đỡ chán hơn. Ban đầu từ những món đơn giản như: chuối chiên, dứa chiên, hành tây chiên, gà, cá kho… đến nay chúng tôi đã có một thực đơn khá phong phú. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như tôi, rất nhiều người muốn làm du lịch nhưng chưa được cầm tay, chỉ việc, định hướng cụ thể” – Tráng A Chu cho biết.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 5

Hay như ông Hà Văn Quyết – chủ Hà Quyết homestay, bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng chung mối trăn trở tương tự. Từ hơn một tháng nay, khách du lịch bắt đầu tìm về ngày một đông hơn, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Các công ty lữ hành đã đặt chỗ cho khách quốc tế nhiều hơn. Thế nhưng, câu chuyện làm sao để phục vụ khách một cách chuyên nghiệp cũng là mối bận tâm của những người làm du lịch.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án phát triển du lịch cộng đồng của bản Dọi nên từ năm 2019, ông Hà Văn Quyết may mắn được Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch (GREAT), tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam – một tổ chức phi chính phủ của Australia trực tiếp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, kỹ năng làm du lịch. “Nguyên tắc của tôi là không đón hai đoàn khách ở cùng một nhà vì lo chồng chéo, phức tạp nhưng nếu đưa sang nhà khác thì khách lại không thích. Nếu được đào tạo, tập huấn bài bản ngay từ khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng thì từng hộ sẽ làm tốt từ đầu, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Khi đó, khách sẽ ấn tượng và muốn quay lại nhiều hơn” – ông Quyết giãi bày.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 6

Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - Hanoi) Đào Xuân Tùng, một người có kinh nghiệm gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và đặc biệt yêu mến mảnh đất Sơn La cũng rất trăn trở với vấn đề này. Theo ông Đào Xuân Tùng, làm du lịch sinh thái ở miền núi thì không thể tách khỏi đồng bào dân tộc. Công tác đào tạo cho đồng bào dân tộc là rất khó nhưng chúng ta phải làm. Nếu du lịch phát triển mà không làm cho đồng bào có đời sống tốt hơn, chắc chắn sẽ thất bại.

“Tôi nhận thấy ở đâu có du lịch phát triển thì cơ sở vật chất và đời sống của người dân ở đó tốt lên. Khách quốc tế có nhu cầu đến những nơi như Sơn La là rất lớn. Nhưng để đón khách, đầu tiên phải đào tạo được người dân bản địa, chứ nếu đào tạo mấy anh ở Hà Nội thì chỉ ở mấy năm rồi về, lúc đó lại thiếu nhân lực làm du lịch” – ông Đào Xuân Tùng chia sẻ.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 7

Làm du lịch đã khó, phát triển được mô hình du lịch cộng đồng ở những địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn hơn nhiều. Trên thực tế, ở không ít địa phương, thủ tục hành chính vẫn còn trói buộc doanh nghiệp đầu tư. Theo Tổng Giám đốc Vietnamtourism - Hanoi Đào Xuân Tùng, doanh nghiệp muốn đầu tư hợp tác phát triển du lịch ở Sơn La khi tiếp cận còn khó khăn từ chính sách đất đai đến cấp phép đầu tư, xây dựng.

Hay như tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, một số hộ làm du lịch cũng phản ánh, hiện nay, để phát triển du lịch cộng đồng, họ gặp vướng nhiều về cơ chế đất đai. Chẳng hạn, dù nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, song homestay xây dựng xong không được cấp sổ đỏ vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất. Mà không có sổ đỏ thì cơ sở không thể đăng ký kinh doanh cũng như làm hồ sơ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, dẫn tới không vay vốn được ngân hàng.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 8

Do đó, nhiều hộ dân kiến nghị, cần có chính sách ưu tiên cho các hộ làm du lịch cộng đồng trong vùng quy hoạch gắn với yêu cầu cam kết làm không được bán homestay sau đầu tư, chỉ hoạt động để cải thiện cuộc sống một cách bền vững. Bởi nếu làm tràn lan homestay xong rồi bán, sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa và quan trọng hơn là người dân không có nguồn thu bền vững.

Liên quan tới vấn đề này, chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ Đặng Phi Hùng cho biết, thời gian tới, ngoài bản Hua Tạt, huyện và xã tiếp tục định hướng phát triển thêm các mô hình du lịch cộng đồng tại các bản Chiềng Đi 1, Chiềng Đi 2, qua đó, tạo hướng đi bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 9

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Hua Tạt phát triển các mô hình du lịch quy mô lớn như: dự án Khu du lịch cộng đồng Vigolando, Ecolodge, khu du lịch rừng thông Hua Tạt (22,2ha)... Do vậy, xã đang hy vọng các nhà đầu tư sớm triển khai để thu hút khách du lịch. Liên quan đến khó khăn về đất đai, ông Đặng Phi Hùng cho biết, người dân trên địa bàn xã chủ yếu canh tác đất nông nghiệp, đất thổ cư trước đây chủ yếu được cấp 200 – 400m2 trong không gian vườn nhà. Muốn phát triển được mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, phải giải quyết được vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân.

 

“Người dân cứ nghĩ đất của họ, họ muốn làm gì thì làm nhưng theo luật thì đất nào ra đất nấy, đất ở ra đất ở, muốn chuyển đổi sang mục đích khác phải tuân thủ quy định pháp luật. Nhiều người dân khi làm nhà sàn, nhà trên đất nông nghiệp để phát triển du lịch, chúng tôi tạo điều kiện bằng cách yêu cầu phải ký cam kết khi Nhà nước có sử dụng mục đích khác thì người dân phải chấp nhận thu hồi” – ông Đặng Phi Hùng cho biết.
Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 10

Tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ngoài 7 hộ đang phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Dọi, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng, nhân rộng ra nhiều hộ khác và các bản lân cận như: Tà Phềnh, Tiểu khu 34... Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Lò Đức Vượng cho biết, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của địa phương là rất lớn. Xã đang tập trung triển khai Nghị quyết phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống của người dân như đan lát, thêu dệt, gắn với du lịch trải nghiệm. Để hỗ trợ các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, ngoài chính sách chung của Nhà nước, xã cũng tạo điều kiện cho mỗi hộ vay vốn 70 triệu đồng trong vòng 3 năm không tính lãi suất.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 11

Đặc biệt, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Trần Xuân Việt cho biết, HĐND tỉnh Sơn La vừa ban hành Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022 – 2026, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết bao gồm: Tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các nội dung chính sách hỗ trợ bao gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; chính sách xúc tiến quảng bá du lịch; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 12

Trong đó, về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh sẽ hỗ trợ cộng đồng dân cư tại bản có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng tôn tạo cảnh quan không gian, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch, xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng… với số tiền 1 tỷ đồng/năm trong thời gian 36 tháng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ một lần đối với các hộ gia đình đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhà ở truyền thống, đầu tư trang thiết bị cần thiết ban đầu phục vụ khách du lịch với mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/hộ… Đây là những chính sách kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và các hộ dân.

Đặc biệt, Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về Phát triển Du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đề ra nhiều nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn.

Cụ thể, tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư, DN thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch, xây dựng hạ tầng; sản xuất hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương… Dự kiến, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho du lịch của tỉnh Sơn La khoảng hơn 6.600 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa hơn 21.600 tỷ đồng.

Bài 4: Không để người dân, doanh nghiệp đơn độc - Ảnh 13

08:41 04/11/2022