
Seoul từng đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm không khí gia tăng. Nhưng chỉ sau hai thập kỷ kể từ khi thực hiện cuộc cải tổ sâu rộng giao thông công cộng vào năm 2004, thủ đô Hàn Quốc đã trở thành một trong những thành phố có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới. Điều gì đã giúp Seoul thay đổi ngoạn mục đến vậy?
Từ nỗ lực cải tiến hệ thống xe bus, tàu điện ngầm, sử dụng thẻ giao thông công cộng không giới hạn, cho đến mở rộng không gian cho người đi bộ, Seoul đang trở thành hình mẫu cho các đô thị khác trên thế giới về thúc đẩy giao thông công cộng và giao thông xanh. Theo kết quả khảo sát của nền tảng trực tuyến chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu Statista (Đức), trong năm 2023, có 41% số người Hàn Quốc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại hàng ngày.

Seoul sở hữu một trong những hệ thống giao thông công cộng phát triển nhất thế giới, đóng vai trò trụ cột trong chiến lược giao thông bền vững của thành phố. Hệ thống này bao gồm mạng lưới tàu điện ngầm, xe bus và tàu điện hoạt động với tần suất cao, chi phí hợp lý và phạm vi bao phủ rộng.
Nhờ sự vận hành hiệu quả của chính quyền thủ đô và các công ty tư nhân, người dân được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng thay vì ô tô cá nhân, góp phần giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Seoul đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả và tiện ích của hệ thống giao thông công cộng. Thành phố đã điều chỉnh các tuyến xe bus và làn đường, thiết kế các tuyến đường dễ tiếp cận và cải thiện hệ thống quản lý, nhằm cung cấp phương tiện giao thông thuận tiện cho người dân, từ đó khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông bền vững.
Đáng chú ý, Seoul đã triển khai các tuyến xe bus hoạt động vào ban đêm, được thiết kế thông qua phân tích dữ liệu lớn, phục vụ hơn 10 triệu lượt đi lại, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngoài giờ cao điểm của người dân.
Hệ thống tàu điện ngầm của Seoul vốn đã được đánh giá là một trong những hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới, với hơn 300 km đường ray kết nối tất cả các quận của thành phố. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, Seoul đang nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm với các đoàn tàu mới chạy bằng năng lượng sạch, đồng thời tích hợp công nghệ thông minh để tối ưu hóa hiệu suất vận hành.

Hệ thống giao thông công cộng của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã nhận được nhiều đánh giá cao từ các chuyên gia quốc tế nhờ tính hiệu quả và khả năng tích hợp cao. Chuyên gia giao thông đô thị Leonardo Canon Rubiano, của Ngân hàng Thế giới, nhận định: "Seoul đã thành công trong việc phát triển một trong những hệ thống giao thông toàn diện và hiệu quả nhất thế giới chỉ trong vài thập kỷ".
Trong khi đó, ông Chang Yi, chuyên gia giao thông và nghiên cứu viên tại Viện Seoul, cũng đánh giá cao hệ thống tàu điện ngầm của Seoul: "Là một người Seoul và là người làm việc cho chính quyền thành phố, tôi tự tin khẳng định tàu điện ngầm của thủ đô Hàn Quốc đạt đẳng cấp thế giới".
Với chương trình "Seoul Metro 2.0", thủ đô Hàn Quốc đặt mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách triển khai hệ thống tàu tự động, giảm thời gian chờ, và xây dựng thêm các tuyến kết nối khu vực ngoại ô để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì ô tô cá nhân.
Ngoài ra, Seoul áp dụng công nghệ số vào quản lý giao thông, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin di chuyển qua các ứng dụng điện thoại thông minh, tích hợp thanh toán bằng thẻ giao thông T-money, mang lại sự tiện lợi tối đa cho hành khách.
Từ đầu năm 2024, Seoul đã phát hành thẻ giao thông mới có tên 'Climate Card' cho phép sử dụng không giới hạn tàu điện ngầm, xe bus cũng như xe đạp công cộng với giá 65.000 won (khoảng 49 USD) mỗi tháng. Chương trình này nhằm khuyến khích người dân từ bỏ xe hơi cá nhân và chuyển sang phương tiện công cộng, giúp giảm ùn tắc giao thông và khí thải nhà kính. Theo thống kê sơ bộ, trong 3 tháng đầu tiên sau khi triển khai, lượng người sử dụng phương tiện công cộng đã tăng hơn 20%, trong khi lượng phương tiện cá nhân giảm đáng kể trong các khu vực trung tâm.
Chính quyền Seoul đặt mục tiêu giảm khoảng 13.000 ô tô lưu thông trên đường và 32.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm thông qua việc phát hành Climate Card. Thị trưởng thành phố Seoul, Oh Se-hoon cho biết: "Việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải nếu chỉ thay thế ở phần cứng chẳng hạn như chuyển sang xe bus thân thiện với môi trường, mở rộng xe đạp công cộng và phân phối taxi điện thì sẽ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chìa khóa ở đây đó là phải tích cực thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Bên cạnh việc vận hành ổn định thẻ Climate Card, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các chính sách giao thông đồng hành cùng người dân".

Trong cuộc cách mạng di chuyển bằng xe điện, Seoul đi đầu trong việc triển khai và mở rộng phương tiện giao thông xanh. Chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như trợ cấp, miễn giảm thuế, đồng thời phát triển hệ thống trạm sạc trên diện rộng nhằm thúc đẩy người dân sử dụng xe điện.
Đặc biệt, việc tích hợp xe điện vào hệ thống giao thông công cộng không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn cải thiện chất lượng không khí, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một đô thị xanh và bền vững.
Một trong những bước tiến quan trọng của Seoul trong quá trình "xanh hóa" giao thông công cộng là thay thế dần các xe bus sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng xe bus điện và hydro. Theo kế hoạch của chính quyền Seoul, đến năm 2030, toàn bộ xe bus công cộng tại thành phố sẽ chạy bằng năng lượng sạch.
Ngay từ năm 2023, Seoul đã đưa vào vận hành hơn 1.000 xe bus điện, đồng thời thử nghiệm xe bus hydro – một loại phương tiện không phát thải CO₂, chỉ thải ra nước trong quá trình hoạt động. Các trạm sạc nhanh được triển khai trên toàn thành phố để đảm bảo các phương tiện này hoạt động liên tục mà không gây gián đoạn dịch vụ.
Chính quyền Seoul cũng đang mở rộng hệ thống Green Transport Zones (GTZs) – các khu vực hạn chế phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel để giảm ô nhiễm không khí. Các khu vực như quận Gangnam và Yeouido đang được thử nghiệm để trở thành mô hình điểm cho các quận khác trong tương lai.
Bên cạnh việc thúc đẩy các phương tiện giao thông công cộng, Seoul cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng môi trường thân thiện với người đi bộ. Nhiều tuyến phố đã được mở rộng vỉa hè, hạn chế phương tiện cá nhân và chuyển đổi thành không gian dành riêng cho người đi bộ.
Một trong những dự án mang tính biểu tượng nhất của Seoul trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh là việc phá bỏ tuyến đường cao tốc Cheonggyecheon để khôi phục lại con suối dài gần 6 km ngay giữa trung tâm thành phố.

Trước đây, khu vực này từng là một đường cao tốc trên cao, phục vụ khoảng 168.000 xe mỗi ngày. Tuy nhiên, vào năm 2005, chính quyền Seoul đã quyết định tháo dỡ đường cao tốc và khôi phục lại dòng suối, tạo ra một không gian xanh cho người đi bộ và người đi xe đạp. Quyết định này ban đầu gặp phải sự hoài nghi, với lo ngại rằng việc loại bỏ đường cao tốc sẽ gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, dự án đã thành công vượt ngoài mong đợi, mang lại nhiều lợi ích cho thành phố. “Ban đầu, mọi người đều lo ngại rằng việc phá bỏ đường cao tốc sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông,” ông Park Byung-chul, một cư dân Seoul chia sẻ. “Người dân Seoul rất vui khi con suối xanh mát giữa thủ đô được khôi phục và chúng tôi không thể tưởng tượng được tại sao nơi đây từng tồn tại con đường cao tốc đông đúc”.

Hiện tại, Cheonggyecheon không chỉ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút hơn 12 triệu du khách mỗi năm, mà còn giúp giảm nhiệt độ khu vực xung quanh khoảng 3,6°C, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường đa dạng sinh học với sự xuất hiện của 666 loài động thực vật. "Khi đến thăm suối Cheonggyecheon, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở thủ đô Seoul" - Kareem, một du khách đến từ Malaysia, chia sẻ với tờ Theguardian.
Việc cải tạo suối Cheonggyecheon này đánh dấu một sự chuyển đổi từ chính sách giao thông tập trung vào xe cộ sang quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm. Bà Minah Park, quản lý tại Bảo tàng Cheonggyecheon, nhận xét: "Dự án đánh dấu sự chuyển đổi từ chính sách giao thông tập trung vào phương tiện sang quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm.
Dự án cải tạo suối Cheonggyecheon cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều thành phố trên thế giới xem xét lại cơ sở hạ tầng đô thị của họ, hướng tới việc tạo ra các không gian công cộng thân thiện hơn với môi trường và cộng đồng.
Với những chính sách quyết liệt và tầm nhìn dài hạn, Seoul đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những thành phố tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực giao thông xanh và bền vững.Sự kết hợp giữa phương tiện giao thông công cộng hiện đại, chính sách hỗ trợ tài chính như thẻ đi lại không giới hạn, và mở rộng không gian xanh đã giúp thủ đô Seoul giảm thiểu đáng kể khí thải và ùn tắc giao thông.
Thành công của Seoul trong phát triển giao thông bền vững là một hình mẫu đáng học hỏi đối với các thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bài 1: Ô nhiễm không khí - "Sát thủ thầm lặng" toàn cầu
Bài 2: Cứu lấy bầu không khí - thủ đô Thái Lan "tuyên chiến" với khí thải giao thông
Bài 3: "Cuộc chiến giành lại bầu trời" hơn 10 năm tại Bắc Kinh
Đón đọc bài cuối: Ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong giám sát và dự báo ô nhiễm không khí
