Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệ đỡ chính sách cho công nghiệp hỗ trợ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những thay đổi của chính sách này được nhiều địa phương, cộng đồng DN CNHT kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho DN đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Thời gian qua, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành CNHT của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa, linh kiện phụ tùng... cho các đối tác nước ngoài. Đáng nói, ngành CNHT Việt Nam chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, khi tham gia lĩnh vực này phần lớn là các DN nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…

Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên các DN mới chỉ nhìn đến thị trường trong nước, chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế còn thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của DN, khiến cho DN thiệt thòi, thua kém so với DN cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh trong khu vực.

Nhận định rõ những yếu điểm nội tại và bất cập về chính sách trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tham mưu xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 111 và coi đây là “liều trợ lực” để phát triển CNHT, là giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dự thảo sửa đổi Nghị định 111 được xây dựng theo hướng đồng bộ, toàn diện và mang tính chiến lược. Đặc biệt có nội dung đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho các DN CNHT.

Bộ Công Thương cũng xác định các DN hưởng chính sách này không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Với khoảng 5.000 DN hiện nay, DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các DN có dự án sản xuất CNHT. Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, dự thảo sửa đổi Nghị định 111 đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Bệ đỡ chính sách đã có, song về phần các DN cũng sẽ gặp không ít thách thức bởi các yêu cầu chặt chẽ hơn về công nghệ, quy trình sản xuất, chất lượng lao động… để được thụ hưởng ưu đãi CNHT. Do đó, DN cần chủ động rà soát các điều kiện hiện tại để đánh giá khả năng hưởng ưu đãi theo diện CNHT, có kế hoạch hành động để hoàn thiện các điều kiện nhằm gia tăng khả năng đáp ứng. Đồng thời, DN cần nghiên cứu các thay đổi về chính sách, xem xét ảnh hưởng đến cơ hội hưởng ưu đãi CNHT của DN và đưa ra các giải pháp cần thiết, có chiến lược áp dụng ưu đãi phù hợp, hiệu quả cao.

Như vậy, việc xây dựng dự thảo có tính thực thi cao là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song việc ban hành nghị định sửa đổi cũng cần kịp thời để DN CNHT không lỡ nhịp hội nhập với thế giới. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất vẫn là nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế của đất nước; để Việt Nam tự tin với thế giới về số lượng DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới công nghiệp toàn cầu.