Chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh, Nasdaq có tháng tệ nhất từ năm 2008

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sâu trong phiên cuối tuần, Nasdaq Composite ghi nhận tháng lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2008.

Chứng khoán Mỹ giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 29/4. Ảnh: Getty
Chứng khoán Mỹ giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 29/4. Ảnh: Getty

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/4 khi Amazon trở thành nạn nhân mới nhất của làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ trong tháng 4.

Chốt phiên giao dịch này, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite sụt gần 4,2% xuống còn 12.334,64 điểm, do đà giảm sâu của Amazon sau khi công ty này công bố lợi nhuận kém khả quan.

Trong khi đó, S&P 500 giảm 3,6% về mức 4.131,93 điểm. Chỉ số Dow Jones “bay” 939,18 điểm, tương đương 2,8%, còn 32.977,21 điểm. Cả Nasdaq và S&P 500 đều ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tính chung cả tháng 4 vừa qua, chỉ số Nasdaq Composite mất tới 13,3% và chứng kiến tháng giao dịch tệ hại nhất kể từ tháng 10/2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ số S&P 500 sụt 8,8%, ghi nhận tháng lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid bắt đầu bùng phát. Cùng kỳ, Dow Jones cũng hạ 4,9%.

Theo CNBC, nhiều nhân tố tiêu cực đã ảnh hưởng tới nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Mỹ tháng 4, bao gồm: Cục Dự trữ Liên bang (FED) thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao, lạm phát dai dẳng, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và xung đột kéo dài ở Ukraine.

 “Các thị trường đón nhận nhiều thông tin bất lợi trong tháng 4 này. Với việc FED tăng lãi suất và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, thật khó để nhà đầu tư hào hứng trên thị trường," chuyên gia phân tích thị trường Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management cho biết.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đã trở thành tâm điểm của làn sóng bán tháo trong tháng 4 vừa qua do lãi suất cao ảnh hưởng đến định giá, lo ngại về chuỗi cung ứng gián đoạn xuất phát từ đại dịch Covid cũng như chiến sự tại Ukraine.

Amazon mất 14% trong phiên giao dịch ngày 29/4, mức sụt giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ năm 2006 sau khi “ông lớn” thương mại điện tử bất ngờ công bố lỗ cũng như dự báo ảm đạm cho quý II/2022.

Cổ phiếu Intel cũng sụt 6,9% sau khi tập đoàn sản xuất chip này dự báo doanh thu và lợi nhuận quý II thấp hơn mong đợi của Phố Wall.

Apple giảm 3,7% sau khi ban lãnh đạo công ty công bố lợi nhuận quý I thấp hơn dự báo, đồng thời cảnh báo doanh thu quý II có thể sụt khoảng 4-8 tỷ USD vì những gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 gây ra.

Hiện Nasdaq Composite vẫn đang trong thị trường con gấu, tức vẫn còn thấp hơn 23,9% so với mức đỉnh gần nhất. S&P 500 hiện cách mức cao kỷ lục 14,3%, còn khoảng các này của chỉ số Dow Jones là 10,8%.

Tính từ đầu năm 2022, Nasdaq Composite đã lao dốc 21,2%, S&P 500 và Dow Jones mất tương ứng  13,3% và 9,3%. 

Tuần vừa qua là tuần có nhiều doanh nghiệp thông báo kết quả kinh doanh nhất trong mùa công bố lợi nhuận quý I/2022. Theo số liệu của FactSet, khoảng một nửa số doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính và 80% trong số này vượt kỳ vọng lợi nhuận của giới phân tích.

Về dữ liệu kinh tế, số liệu lạm phát tăng nóng được công bố trong ngày thứ Sáu càng nhấn mạnh đến sự khó khăn của môi trường đầu tư. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản (PCE) - thước đo lạm phát của FED - tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách của FED, báo cáo việc làm tháng 4 và một loạt báo cáo tài chính từ các doanh nghiệp như Pfizer, Starbucks, Uber...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần