
Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0,24%, đạt mức chốt phiên cao chưa từng thấy 6.129,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,07%, lên mức 20.041,26 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 10 điểm (khoảng 0,02%), đạt 44.556,34 điểm.
Năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 khi leo dốc 1,9%. Cổ phiếu công nghệ cũng là nhóm thúc đẩy đà tăng điểm của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall.
“Nhìn chung, thị trường vẫn đang cố gắng thoát khỏi xu hướng điều chỉnh đã diễn ra kể từ đầu tháng 12/2024”, ông Chris Larkin, Giám đốc điều hành giao dịch và đầu tư tại E-Trade của Morgan Stanley, nhận định.
Theo chuyên gia Larkin, trong tuần này, những tin tức từ Washington, đặc biệt về thuế quan, có thể sẽ tiếp tục là biến số khó dự đoán với thị trường cổ phiếu.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng khởi sắc trong tuần trước bất chấp lo ngại về thuế quan và dữ liệu lạm phát nóng hơn dự báo làm suy giảm các kỳ vọng liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay.
Phần lớn sự tăng điểm của tuần vừa rồi diễn ra vào ngày thứ Năm, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan có đi có lại lên các quốc gia có đánh thuế đối với hàng hóa Mỹ. Kế hoạch mà ông Trump đưa ra được đánh giá là “nhẹ nhàng” hơn so với những gì mà thị trường lo ngại lúc đầu.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 4/2024 sắp khép lại, với 383 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh tính đến thứ Sáu tuần trước. Trong số đó, 74% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ LSEG.
Hiện tại, thị trường Phố Wall đang chờ đợi biên cuộc họp chính sách tháng 1 của Fed, sẽ được công bố vào 19/2.
Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 1, các thành viên của Fed đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh có dấu hiệu lạm phát tăng trở lại và những tác động chưa rõ ràng từ kế hoạch thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đe dọa áp dụng.
“Chúng ta đều đang ngóng chờ biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ lớn vào cuối tuần. Vì vậy, thị trường trong phiên giao dịch hôm nay chủ yếu trong trạng thái chờ đợi” – chiến lược gia trưởng Ryan Detrick tại Carson Group nhận xét.
Các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ biên bản để tìm thêm manh mối về định hướng chính sách của Fed, đặc biệt sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy giá cả đang tăng nhanh hơn, niềm tin người tiêu dùng giảm và doanh số bán lẻ yếu hơn dự báo.
Các nhà giao dịch hiện dự đoán Fed có thể không tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025.
"Fed đang khá rõ ràng trong thông điệp của mình. Có bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại và tôi chắc chắn Fed cũng đang quan tâm đến điều đó. Tuy nhiên, hiện tại họ chưa chịu áp lực đáng kể để phải sớm cắt giảm lãi suất”, ông Chuck Carlson - Giám đốc điều hành của Horizon Investment Services cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia trưởng về đầu tư Steve Wyett của công ty BOK Financial đánh giá: “Tôi cho rằng không có khả năng Fed trở nên mềm mỏng hơn trong năm tới vì lạm phát sẽ là câu chuyện của năm 2026. Rủi ro đó chưa được phản ánh vào giá tài sản ở thời điểm này. Tôi lạc quan hơn là bi quan, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải thực tế”.
Trong tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quan điểm cứng rắn, tuyên bố Fed không vội hạ lãi suất vì lạm phát còn cao hơn mục tiêu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Bill Adams tại Comerica Bank cho biết: “Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng Ngân hàng trung ương Mỹ "không vội" cắt giảm lãi suất, nhưng bất kỳ sự rõ ràng nào về lộ trình của chính sách tiền tệ sẽ được các nhà đầu tư hoan nghênh”.