Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

 Dẹp “nạn” lạm thu

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù sự việc một lớp 12 tại Hà Nội thu quỹ phụ huynh kỳ I với số tiền 4,5 triệu đồng/người đã được giải quyết, nhưng sự việc vẫn khiến người ta lo ngại về những khoản thu vượt quy định trong trường học vẫn diễn ra khá phổ biến. 

Mới bắt đầu năm học 2023 – 2024 được 3 tuần nhưng thông tin về tình trạng lạm thu trong trường học liên tiếp được phản ánh trên các phương tiện truyền thông gây bức xúc cho xã hội.

Tối 10/9, hình ảnh bảng kê gồm 21 khoản phải đóng góp đầu năm học mới của một lớp học thuộc Trường THPT Thanh Miện III (tỉnh Hải Dương) với số tiền gần 9 triệu đồng/học sinh được đăng trên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình.

Vào cuộc xác minh, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương đã chỉ ra hơn chục sai sót, vi phạm của trường khi thực hiện các khoản thu. Trong 21 khoản thu do lớp đưa ra thì có tới 4 khoản thu không có trong danh mục nhà trường hướng dẫn (tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền mua tivi, tiền học thêm hè, tiền photocopy). Có 2 khoản thu cao hơn so với mức thu do nhà trường thông báo (tiền gửi xe, tiền sổ liên lạc điện tử).

Ngoài ra, có 6 khoản thu nhà trường triển khai với giáo viên chủ nhiệm chưa đúng quy định theo các văn bản hiện hành (tiền vở ghi, tiền mua ghế ngồi, tiền khảo sát, tiền kiểm tra chung, tiền quỹ lớp, tiền mua sách giáo khoa) và có 3 khoản thu vượt mức quy định (tiền nước uống, tiền làm thẻ học sinh, tiền sổ liên lạc điện tử). Chưa kể, có 2 khoản thu thực hiện chưa đúng quy trình (tiền vận động tài trợ (xã hội hoá) và tiền quỹ hội cha mẹ học sinh).

Vì các khoản thu mới chỉ là dự kiến để giáo viên chủ nhiệm thông báo xin ý kiến phụ huynh học sinh, do vậy, Đoàn kiểm tra Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm dừng thực hiện, đồng thời yêu cầu hiệu trưởng nhà trường kiểm điểm trách nhiệm bản thân và những cá nhân có liên quan.

Trở lại vụ việc một lớp 12 tại Hà Nội khi mỗi phụ huynh phải đóng góp số tiền 4,5 triệu đồng/học kỳ I, sau khi làm việc với giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện phụ huynh học sinh của lớp; yêu cầu trả lại toàn bộ khoản thu này cho từng phụ huynh, nhà trường trên cũng tiến hành triệu tập giáo viên chủ nhiệm của các lớp. Qua đó rà soát tình hình thực hiện các khoản thu; quán triệt lại một lần nữa các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội và quy định về công tác thu chi tới giáo viên chủ nhiệm các lớp; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiêm túc chấp hành.

Trên đây có lẽ mới là 2 trong số rất nhiều sự việc thu vượt quy định bị phản ánh qua truyền thông và mạng xã hội. Thực tế, sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, không ít phụ huynh rơi vào trạng thái lo âu, buồn nản, thậm chí là hoang mang khi đối mặt với quá nhiều khoản đóng góp trong bảng dự chi của ban phụ huynh. Trên danh nghĩa “tất cả vì các con”, không ít phụ huynh khuấy lên các hoạt động rườm rà, không cần thiết nhưng vẫn chi khoản tiền không nhỏ. Mặt khác, cũng có hiện tượng thu các khoản ngoài danh mục được phép khiến số tiền phải đóng góp của phụ huynh đội lên.

Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều văn bản quy định về các khoản thu; nghiêm cấm mọi hình thức lạm thu và nêu rõ quan điểm: trường nào để xảy ra hiện tượng lạm thu thì hiệu trưởng trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thậm chí, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT địa phương cần đẩy mạnh thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về vấn đề này. Cùng với đó, mỗi phụ huynh cũng cần mạnh mẽ lên tiếng trước các khoản thu vô lý, giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý ngay khi tiếp nhận thông tin.

Hãy để môi trường giáo dục luôn trong sạch, học sinh được vui chơi học tập đúng lứa tuổi và không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề mang tên “lạm thu”.