Du lịch tìm cách đón đầu dòng khách Hồi giáo chi tiêu cao
Kinhtedothi- Du khách Hồi giáo đang là thị trường hấp dẫn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để khai thác hết dư địa của "mỏ vàng" này, ngành du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn của khách du lịch Hồi giáo.
Thị trường rộng lớn
Tại Hội thảo “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal (Hồi giáo) trên địa bàn TP Hà Nội” vừa tổ chức, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà thông tin, trên toàn thế giới có hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi, nên du lịch Hồi giáo đang phát triển nhanh chóng với phân khúc chi tiêu cao. Riêng năm 2024 giá trị thị trường du lịch Hồi giáo toàn cầu ước đạt 276 tỷ USD, dự kiến tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí ở mức cao trên thế giới. Do vậy, các quốc gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. “Hiện, số lượng người Hồi giáo chiếm 1/4 dân số thế giới, riêng khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia là 255 triệu người. Đây là những thị trường gần với Việt Nam nên rất thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận khai thác nguồn khách không lồ này”- ông Khánh chia sẻ.
Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á- Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi- Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Đinh Công Hoàng cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Trong đó, Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, có rất nhiều lợi thế để đón đầu dòng khách Hồi giáo, nhất là trong bối cảnh các thị trường gửi khách quốc tế đang bão hòa.

Chuẩn bị hạ tầng đón khách Hồi giáo
Theo các chuyên gia du lịch mặc dù thị trường khách du lịch Hồi giáo rộng lớn để ngành du lịch khai thác, nhưng hiện tại cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ những đối tượng này vừa thiếu vừa yếu. Trong đó hệ thống nhất là cơ sở ẩm thực là yếu tố quyết định trong du lịch Hồi giáo vẫn còn rất ít và chưa đủ mức độ tin cậy cần thiết do thiếu các chứng chỉ Hồi giáo.
“Hà Nội sở hữu tiềm năng lớn để thu hút du khách Hồi giáo từ các thị trường trọng điểm như Malaysia, Indonesia và Trung Đông. Tuy nhiên, du lịch Hà Nội hiện đối mặt với nhiều thách thức như: cơ sở lưu trú thiếu hạ tầng phục vụ cầu nguyện, dịch vụ chưa đồng bộ, nhận thức về tiêu chuẩn Hồi giáo còn hạn chế. Hiện tại Hà Nội, chỉ có một thánh đường duy nhất tại quận Hoàn Kiếm không đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách Hồi giáo”- giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Mở Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hạnh chia sẻ.

Dưới góc độ từ một trong những nước Hồi giáo khu vực Đông Nam Á, ông Marina Muhamad - Giám đốc Trung tâm Du lịch Hồi giáo - Bộ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Malaysia cho biết, muốn thu hút dòng khách này đòi hỏi đơn vị cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu về ẩm thực thông qua các nhà hàng đạt chuẩn Hồi giáo, đặc biệt phải có nơi để khách Hồi giáo cầu nguyện 5 lần một ngày. Các địa phương phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi với người theo đạo Hồi, qua đó phải tạo cho du khách cảm giác an toàn, nhất là khi đến giờ cầu nguyện.
Để đón khách Hồi giáo, một số doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất. Đơn cử như khách sạn Delasea Hạ Long đã dành riêng 2 tầng với 36 phòng nghỉ có không gian sinh hoạt, khu vực bếp nấu hoàn toàn riêng biệt và có phòng cầu nguyện cộng đồng. Đồng thời mời chuyên gia của người Hồi giáo đến từ Malaysia để đào tạo, hướng dẫn quy trình nấu ăn và phục vụ theo đúng tiêu chuẩn Halal. Nhằm thu hút du khách Hồi giáo đến từ Ấn Độ, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air đã khai thác đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Mumbai (Ấn Độ). Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành thu hút lượng khách Hồi giáo từ quốc gia này.
Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa doanh nghiệp Thủ đô tham gia Hội chợ FLAsia tổ chức tại (Singapore) qua đó các doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống đại siêu thị Mydin chuyên cung cấp sản phẩm Halal cho người Hồi giáo. Hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị quốc tế mà còn minh chứng du lịch Việt Nam đủ điều kiện phục vụ du khách Hồi giáo.
Thông tin về việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng khách đến từ các nước Hồi giáo, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội đã và đang xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó ưu tiên phát triển các "Halal Friendly Zones" – khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại trung tâm thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô sẽ có ít nhất 10-20 khách sạn đạt chuẩn phục vụ khách Hồi giáo và khoảng 30% nhà hàng khu vực nội đô có khả năng cung cấp món ăn dành cho người đạo Hồi.
Không chỉ tập trung phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội còn chú trọng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đề xuất UBNDTP Hà Nội xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị phục vụ khách Hồi giáo. “Hà Nội sẽ có các chiến lược trước mắt và dài hạn để sẵn sàng đón khách du lịch Hồi giáo đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”- Giang khẳng định.

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025: cơ hội vàng săn tour giá rẻ
Kinhtedothi - Lễ hội có 80 gian hàng được thiết kế theo chủ đề khác nhau như: không gian trải nghiệm các điểm đến di sản, điểm đến du lịch (bao gồm Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội; Khu Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám…).
Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội tạo dấu ấn Thủ đô tới du khách
Kinhtedothi - Tối 11/4, tại Không gian đi bộ - Văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đến dự và nhấn nút khai mạc.
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025 thu hút 30.000 lượt khách tham quan mua sắm
Kinhtedothi- Chiều 13/4, tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức bế mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025.