EU bất đồng vì không thể áp trừng phạt với dầu Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Reuters, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã bất đồng sâu sắc hôm 21/3, khi thảo luận việc làm thế nào để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio (trái) nói chuyện với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tại cuộc nhóm họp ở Brussels, hôm 21/3. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio (trái) nói chuyện với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tại cuộc nhóm họp ở Brussels, hôm 21/3. Ảnh: AP

Mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là một trong những nội dung trọng tâm được các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU thảo luận trong các phiên họp tại Brussels trong ngày 21/3. Nhưng nhắm mục tiêu vào dầu của Nga - như Mỹ và Anh đã làm - là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga.

Một số quốc gia EU như Ba Lan và các nước Baltic như Latvia, Litva và Estonia đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

"Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine ngay bây giờ, chúng ta có thể chuyển sang trừng phạt lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu và than đá (của Nga)," Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nói trước cuộc họp, lặp lại bình luận từ các nước Baltic.

Trong khi đó, Đức cảnh báo rằng khối đã quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga để ra quyết định cấm vận. "Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào nó như thế nào" - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Brussels - "Đức đang nhập khẩu rất nhiều (dầu của Nga) nhưng không ít các quốc gia thành viên khác cũng không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác".

Về tổng thể, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại châu Âu là nhập khẩu từ Nga, trong đó cường quốc kinh tế số 1 châu Âu là Đức nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% dầu từ Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây cũng thừa nhận, nếu cắt đứt ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga, nền kinh tế Đức sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với việc gia tăng đói nghèo và thất nghiệp. Ngoài Đức, các nước như Italia, Hà Lan, Áo hay Slovakia cũng không ủng hộ việc cấm vận ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga.

Cuộc họp của các bộ trưởng EU diễn ra trước thềm 1 tuần đàm phán bận rộn giữa các đồng minh phương Tây về Ukraine, với hội nghị thượng đỉnh EU, hội nghị thượng đỉnh NATO và cuộc hội đàm G7 đều được lên kế hoạch vào cuối tuần này.