Giải pháp công nghệ mới giảm rủi ro lũ quét
Kinhtedothi - Đập Sabo được xây dựng theo công nghệ của Nhật Bản, lần đầu thi công ứng dụng tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng mở ra giải pháp mới nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét ở khu vực miền núi. Dù vậy, để giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất, vẫn cần thêm những nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện.
Hiệu quả đã được chứng minh
Cho đến hôm nay, người dân bản Piệng, xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) vẫn chưa thôi bị ám ảnh bởi trận lũ quét đổ về trong đêm ngày 2, rạng sáng 3/8/2017. Trận lũ ào về ban đêm kèm theo đất đá, thân cây trôi xuống đã cuốn đi nhà cửa bên bờ suối, vùi lấp ao cá, ruộng vườn của người dân.
Ông Tòng Văn Hương - Trưởng bản Piệng chia sẻ, gần 8 năm kể từ ngày cơn lũ lịch sử quét qua ngôi làng, năm nào người dân sinh sống bên con suối Nặm Păm cũng nơm nớp lo sợ lũ ống, lũ quét. Dù vậy, cảm giác bất an nay đã vơi đi phần nào khi mới đây, đập Sabo được khánh thành.
Công trình là kết quả của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc” do Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Công trình đập Sabo được xây dựng trên dòng suối Nặm Păm (tỉnh Sơn La).
Con đập bắt đầu được xây dựng tại bản Piệng từ tháng 9/2024, theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là đập bê tông khe hở với chiều dài 61m, chiều rộng 3m ở đỉnh đập và chiều cao 9m. Chất lượng của đập được kiểm soát thông qua các bài kiểm tra đo độ sụt và thí nghiệm cường độ bê tông liên tục tại vị trí xây dựng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đánh giá, phương pháp xây dựng hệ thống đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất hiện nay giúp giảm nhẹ rủi ro từ lũ quét, phòng ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu.
Người Nhật Bản đã thiết kế và phát triển công trình đập Sabo để cho nước chảy qua, nhưng giữ lại đất, đá, cây cối, được xây dựng tại các điểm xung yếu, nơi thường xuyên xảy ra lũ quét. Các công trình qua thực tế đã chứng minh được hiệu quả.
Đến nay, không chỉ hơn 64.000 công trình đập Sabo lớn, nhỏ đã được xây dựng tại Nhật Bản mà giải pháp này còn được áp dụng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các quốc gia tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Nghiên cứu nhân rộng mô hình mẫu
Không chỉ tại xã Nặm Păm, trong những năm gần đây, lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc. Đập Sabo được kỳ vọng sẽ là giải pháp mới nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét.
Mặc dù vậy, do chỉ là đập thí điểm, được xây dựng đơn lẻ với quy mô nhỏ nên chắc chắn đập Sabo này sẽ khó phát huy hết hiệu quả. Bởi vậy, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đang tiếp tục làm việc với JICA để hỗ trợ Việt Nam xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo trên lưu vực suối Nặm Păm.
“Nếu được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống đập này có thể trở thành mô hình mẫu cho Việt Nam đánh giá hiệu quả; từ đó xem xét, huy động nguồn lực để đầu tư nhân rộng công trình đập Sabo tại các khu vực khác có rủi ro tương tự…” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn bày tỏ quan điểm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La Lê Thị Thu Hằng, để phòng, chống thiên tai, trong đó có lũ quét, có rất nhiều biện pháp, nhưng hiệu quả nhất là các giải pháp về công trình. Ở đó, đập Sabo là một trong những giải pháp thực tế, đã khẳng định được hiệu quả.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, quan trắc, vận hành và cung cấp thông tin, phản hồi thiết thực nhất về hiệu quả ngăn lũ của đập Sabo để cho các cơ quan cấp trên xây dựng quy trình, quy chuẩn mang tính chất riêng của Việt Nam…” - Bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.
Cùng chung quan điểm, ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, một đập Sabo đơn lẻ không thể giúp giảm dòng lũ bùn, đá hiệu quả. Chính vì vậy, đại diện JICA hy vọng việc thí điểm xây dựng đập Sabo tại tỉnh Sơn La sẽ là ví dụ tham khảo để Chính phủ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật làm các đập Sabo khác tại những khu vực có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét.
Trích dẫn
“JICA đặc biệt quan tâm tới vấn đề phòng, chống sạt lở, lũ quét ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều khảo sát, dự án liên quan đến sạt lở, lũ quét và cung cấp hàng hóa cứu trợ khẩn cấp của Nhật Bản đến các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc JICA hỗ trợ xây dựng đập Sabo đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai...” - Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.

Xuất cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia để phục vụ phòng, chống thiên tai
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 724/QĐ-TTg ngày 6/4/2025 về việc xuất cấp vật tư, thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia năm 2025 cho các Bộ, địa phương và điều chỉnh số liệu tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 31/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cảnh báo nguy cơ thiên tai ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ từ tháng 5/2025
Kinhtedothi - Trong tháng 5 - 7/2025, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tác động đến đất liền nước ta. Trên các sông nhỏ, thượng nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện các đợt lũ ngay từ tháng 5 này.

Hà Nội chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Kinhtedothi - Chiều 6/5, tại Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí TP tháng 5/2025 do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy tổ chức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Nguyễn Văn Quyến đã báo cáo công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2024, 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo của năm 2025.