Hòa Bình: phát triển du lịch bền vững từ vùng đất Mường cổ
Kinhtedothi - Mường Bi thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong 4 vùng Mường lớn nhất. Du lịch ở đây đã có bước tiến đột phá, giúp bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình.
Hòa Bình xác định quan điểm bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Người dân là chủ thể trong công tác phát huy các giá trị tốt đẹp, đặc sắc gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu, biến giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trở thành tài sản phát triển, việc đầu tư phải phù hợp với quy hoạch.

Huyện Tân Lạc chú trọng tập trung phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn...
Mường Bi thuộc huyện Tân Lạc là một trong 4 vùng Mường lớn nhất, du lịch ở đây đã có bước tiến đột phá. Với tiềm năng, lợi thế, huyện Tân Lạc đã đẩy mạnh hoạt động du lịch trải nghiệm vườn quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su xanh bạt ngàn; khám phá động Nam Sơn, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Du khách còn được thưởng thức các món ăn dân tộc; săn mây, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên; khám phá kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều thể loại như truyện cổ, dân ca, ví đúm, hát ru, đồng dao, hát đập hoa, hát đối, chiêng Mường, mo Mường...
Với độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, 3 xã vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn (huyện Tân Lạc) được mệnh danh là "nóc nhà” của Mường Bi. 95% người dân nơi đây là dân tộc Mường, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và thay đổi tư duy sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả tại đây đã ra đời.
Tiêu biểu là cây quýt cổ Nam Sơn (xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc) - giống cây đặc sản có chất lượng vượt trội, gắn bó với người dân bao đời nay. Từ diện tích hơn 50 ha vào năm 2015, đến nay, vùng quýt đã mở rộng trên 180 ha. Quýt Nam Sơn được trồng phổ biến tại 17/17 xóm của xã Vân Sơn và đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Nhiều hộ dân trồng quýt đã có thu nhập ổn định từ 30-100 triệu đồng/năm. Năm 2018, UBND huyện Tân Lạc đã đón nhận bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn - xã Tân Lạc.”
Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản đặc trưng khác như rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau trái vụ, chè tuyết, thảo dược... cũng dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Cùng với phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại huyện Tân Lạc đang trở thành hướng đi tiềm năng. Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về "xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thực hiện Nghị quyết số 13, huyện đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn các xã vùng cao tập trung làm du lịch, qua đó nhận thức của người dân được nâng lên, bước đầu hiểu được giá trị kinh tế từ phát triển du lịch mang lại. Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết bước đầu đạt được kết quả tích cực khi xây dựng được 3 điểm du lịch cộng đồng mẫu ở các xóm: Hày Dưới (xã Vân Sơn), Bắc Thung (xã Quyết Chiến), Luông Cá (xã Ngổ Luông).
Các xã đã xây dựng điểm du lịch cộng đồng để hút du khách. Tiêu biểu như ở xóm Bắc Thung (xã Quyết Chiến), 2/3 hộ tham gia mô hình đã hoàn thiện, chính thức đón du khách. Những điểm du lịch mới như bãi Pặng, thác Thung cũng đã hình thành điểm cắm trại (camping) hấp dẫn, thu hút 300 - 500 lượt khách mỗi dịp cuối tuần.
Đặc biệt, một điểm không thể bỏ qua khi đến Tân Lạc là hệ thống hang động đẹp, thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ tại di tích động Hoa Tiên, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, với vô vàn khối nhũ đá, măng đá, cột đá hình thù kỳ thú, phản chiếu ánh sáng lấp lánh, tạo cảm giác như một bảo tàng nghệ thuật tự nhiên. Hay động thác Bờ, xóm Bưng, xã Suối Hoa; động Nam Sơn, xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn; hang Muối, thị trấn Mãn Đức - di chỉ cư trú của người nguyên thủy thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”; núi Cột Cờ, xã Phong Phú; thác Thung, thác Trăng, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông... Thời gian gần đây, có một số điểm đến mang lại cho du khách trải nghiệm mới như đèo Đá Trắng, xã Phú Cường, vừa là điểm dừng chân thú vị vừa là nơi ngắm cảnh lý tưởng.
Để gìn giữ phát triển văn hóa, huyện Tân Lạc đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tích cực giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch để thu hút du khách; mở rộng liên kết, tăng cường thu hút đầu tư.

Sức hút đặc biệt từ du lịch Hòa Bình
Kinhtedothi - Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc, Hòa Bình dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Hòa Bình còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản
Kinhtedothi - Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hoà Bình đạt mức 12,76% trong quý I/2025, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng chỉ đứng sau tỉnh Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh xác định, tỉnh còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh đề ra.
“Khúc ca hòa bình” - ký ức hào hùng không thể nào quên
Kinhtedothi - Ngày 23/4, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Khúc ca hòa bình”. Hoạt động hướng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).