Liều thuốc mạnh với dự án treo

Bài, ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XVI vừa qua, các đại biểu đã thông qua nhóm 15 giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Nhưng vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan đến quy định pháp lý là phải có sự đồng bộ với thực tế để những dự án “treo” được "hạ xuống".

Để xử lý dự án chậm triển khai cần sự đồng bộ từ quy định pháp lý để triển khai thực tiễn.
Để xử lý dự án chậm triển khai cần sự đồng bộ từ quy định pháp lý để triển khai thực tiễn.

Lãng phí nguồn lực

Theo báo cáo của Sở TN&MT, toàn TP Hà Nội có hơn 400 dự án thuộc diện chậm tiến độ, bỏ hoang. Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất, gồm: Hoài Đức (51), Mê Linh (47), Nam Từ Liêm (48), Hoàng Mai (25)… Đáng chú ý trong đó, rất nhiều dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, song hàng chục năm qua vẫn không được triển khai thực hiện.

Đơn cử như dự án xây dựng nhà máy sản xuất dây cáp điện & lắp ráp thiết bị vệ sinh cao cấp, huyện Mê Linh (Công ty TNHH Dây & cáp điện Hoàng Sơn); Trung tâm đào tạo nghề cơ khí, huyện Mê Linh (Công ty vận tải & xây dựng); Khu nhà ở Văn La - Văn Khê, quận Hà Đông (Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà - Sudico), Bệnh viện quốc tế Hà Đông (Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long); Xây dựng nhà máy sản xuất - Công ty TNHH Ngọc Linh (quận Long Biên); Xây dựng nhà tái định cư Công viên Yên Sở nay là Khu đô thị Tứ Hiệp (Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí); Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà – Bộ Xây dựng)...

Ngoài những dự án được giao đất, cho thuê đất không đưa vào thực hiện, có hàng chục dự án khác đã triển khai xây dựng một số hạng mục nhưng cũng nằm “đắp chiếu” nhiều năm như: Dự án Trung tâm Điều hành & giao dịch Vicem Tower (quận Nam Từ Liêm), khởi công vào tháng 5/2011; dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng), khởi công từ năm 2008 chỉ mới hoàn thiện phần thô; tòa nhà Tokyo Tower số 48 Vạn Phúc (quận Hà Đông) khởi công đầu năm 2015...

Theo đánh giá, hậu quả của dự án "treo" để lại vô cùng lớn, không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội mà còn phá vỡ tổng thể về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng của Thủ đô. Nhiều khu đất dự án còn được đưa ra cho thuê lại để sử dụng với mục đích khác nhau gây ra sự lộn xộn trong phát triển, thậm chí dẫn đến bất bình cho những người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án.

“Có rất nhiều lý do để lý giải về việc hàng trăm dự án chậm tiến độ triển khai như dịch Covid-19 khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai hoặc phải chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Thậm chí, có những dự án chúng tôi không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc, khó khăn” – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Đỗ Quốc Toản cho hay.

Nhiều dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chậm triển khai. Ảnh: Giang Huy  
Nhiều dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chậm triển khai. Ảnh: Giang Huy  

Cần có chế tài mạnh hơn

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng dự án chậm triển khai, bỏ hoang. Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, về kết quả thực hiện xử lý đối với dự án chậm tiến độ, đến nay, có 96 dự án diện tích 290,9ha sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm tiến độ; 38 dự án chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư.

Ngoài ra, còn 29 dự án diện tích 1.844,3ha được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất (UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi 10 dự án diện tích 177,7ha; 19 dự án giao các sở, ngành làm rõ cơ sở pháp lý liên quan để xử lý đảm bảo theo đúng quy định); 60 dự án tổng diện tích 95ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, được gia hạn 24 tháng (chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng, thuê đất 24 tháng).

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, UBND TP đã và đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn TP. Do đó số lượng các dự án sẽ còn có biến động. "Trên cơ sở hồ sơ, pháp lý có liên quan của từng dự án, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện công khai thông tin về các danh mục dự án để người dân biết, giám sát" - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.

Trên thực tế, không khó để nhìn nhận ra những nguyên nhân khiến hàng trăm dự án trên địa bàn Thủ đô bị chậm tiến độ triển khai hàng chục năm qua, mà vấn đề được nhắc đến nhiều nhất ở đây là bất cập về quy hoạch. Nhiều dự án, chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng vẫn được giao đất. Cùng với đó, công tác quy hoạch – kiến trúc chưa gắn với thực tiễn, theo hình thức “đoán bệnh, bốc thuốc” và cũng không loại trừ việc DN “ôm” đất chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng đất lên giá rồi bán...

“Nhiều dự án được giao và chấp thuận chủ trương đầu tư trái quy định của luật, không thông qua đấu thầu, đấu giá, tính tiền sử dụng đất sai quy định gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước… để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp mất rất nhiều thời gian phối hợp xử lý nhưng chưa thể dứt điểm, vẫn loay hoay chờ đợi cơ chế mới” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS Nguyễn Đức Lập phân tích.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận, khách quan cũng do tác động không nhỏ của quy định pháp lý thay đổi liên tục dẫn đến việc không triển khai được dự án. Đơn cử như Luật Đất đai vẫn có những quy định bất cập, gây khó khăn cho DN, như quy định giao chủ đầu tư 12 tháng và không quá 24 tháng nên hầu hết dự án đều phải gia hạn, vì quy mô nhỏ có thể thực hiện trong thời gian dưới 24 tháng. Còn những dự án quy mô lớn không thể triển khai trong khoảng thời gian như vậy được, do phải thực hiện trình tự thủ tục đầu tư. Mà trình tự thủ tục hành chính “một cửa” nhưng phải đủ vài chục con dấu, chữ ký...

Với việc HĐND TP Hà Nội thông qua dự thảo 15 giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, được chuyên gia và nhà quản lý đánh giá cao. Nhưng phần lớn đều cho rằng, giải pháp nêu ra chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại, quan trọng hơn cả để xử lý tình trạng trên vẫn cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản hạn chế trong luật để tạo ra sự đồng bộ từ quy định của pháp luật cho đến triển khai thực hiện trong thực tế.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, để xử lý đối với trường hợp dự án chậm triển khai, nhất là dự án "treo" dài hạn, cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án. Đồng thời cơ quan chức năng xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực" - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

 

Một dự án khi được cấp phép trước hết phải tuân thủ quy hoạch, phù hợp với kinh tế địa phương, năng lực nhà đầu tư. Nhưng thời gian qua, việc cấp phép, phê duyệt dự án diễn ra quá dễ dàng, dựa vào quan hệ thân quen, lợi ích nhóm, vì vậy thiếu đi công tác thanh tra, kiểm tra năng lực nhà đầu tư.

Đáng quan ngại nhất, sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật về quản lý đất đai, khi dự án được phê duyệt thì nhà đầu tư dùng ngay để thế chấp ngân hàng, nói cách khác nhà đầu tư đã lấy tài sản Nhà nước đi thế chấp phục vụ lợi ích riêng.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

 

 

Cần cân nhắc chuyện giao dự án nhanh, đúng quy trình thủ tục nhưng nếu chậm triển khai sau 24 tháng thì dứt khoát phải thu hồi. Nếu chúng ta không có cơ chế thu hồi dự án từ nhà đầu tư cũ, giao lại cho nhà đầu tư mới rõ ràng, nhanh, kịp thời thì dự án đó lại thành dự án treo.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần