Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật vẫn có quyền làm hồ sơ đề nghị sở LĐTB&XH hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cho hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trước đây khi DN không có người đại diện, nhiều trường hợp người lao động nghỉ việc không xin được giấy xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này dẫn đến người lao động không được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trước bất cập này, Bộ LĐTB&XH đã sửa đổi, bổ sung quy định nhằm động viên, khuyến khích, tạo niềm tin cho người lao động mong muốn tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Điều cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là khuyến khích người lao động sớm tìm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động. Vì thế, tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, đó là: người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không đến nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Như vậy, việc Bộ LĐTB&XH tăng thêm những trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cũng như khuyến khích người lao động sớm tìm được việc làm quay trở lại thị trường lao động, thay vì chỉ chăm chăm đi nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này rất sát thực tế triển khai thực hiện tại trung tâm dịch vụ việc làm có không ít trường hợp người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tìm được việc làm ngay nên đã không đến nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp này, người lao động chỉ cần làm đơn đề nghị bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định 10 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp khai báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm. So với quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì số đối tượng được mở rộng hơn, tạo thuận lợi cho người lao động, cụ thể là các trường hợp: nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên; người lao động đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của giám đốc sở LĐTB&XH và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp; người lao động thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 1 tháng; người lao động đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; người lao động chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hỗ trợ học nghề là một trong những nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động chuyển đổi mục đích nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đã có quy định mở hơn tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, cho phép người lao động được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi ban hành hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đó là trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nơi ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những người thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho rằng, quy định này rất hay vì tạo nhiều cơ hội cho người lao động tham gia học nghề, giúp chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như thay đổi địa bàn làm việc.
Thực tế, có những người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ở quê nhưng muốn được hỗ trợ học nghề ở TP nơi có nhiều ngành nghề phát triển, nhiều cơ sở đào tạo nghề có chất lượng hơn và dễ tìm kiếm việc làm hơn.
Với nhiều quyền lợi dành cho người lao động được quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, hy vọng trong thời gian tới sẽ gia tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và họ có niềm tin vào chính sách này hơn. Người lao động được hỗ trợ học nghề; được tư vấn, giới thiệu việc làm; được hỗ trợ một phần kinh phí khi mất việc để đảm bảo duy trì cuộc sống trong quá trình tìm kiếm việc làm mới... góp phần khẳng định giá trị của bảo hiểm thất nghiệp. Và đây cũng là công cụ để quản trị thị trường lao động cũng như có thể điều chuyển người lao động từ tỉnh này sang tỉnh khác góp phần đảm bảo an sinh xã hội.