Các tập đoàn đa quốc gia, như: Volkswagen, AB InBev hay L'Oréal đang ghi nhận tình trạng sụt giảm doanh thu tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ sự suy giảm nhu cầu đối với sản phẩm nước ngoài, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa nội địa, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trong kết quả kinh doanh tuần này, WPP, gã khổng lồ trong lĩnh vực quảng cáo với trụ sở chính tại London, cho biết doanh số bán hàng đã giảm gần 1/4 trong ba tháng qua tại thị trường tỷ dân. Công ty này đánh giá nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tương đối chậm cũng như cảnh báo về tình trạng suy giảm nhu cầu tại quốc gia này.
"Mọi người đã kỳ vọng Trung Quốc sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn sau đại dịch Covid-19 thay vì chỉ dừng ở mức hiện tại” - Giám đốc điều hành WPP Mark Read cho biết.
Công ty mỹ phẩm đa quốc gia L'Oréal cho biết tăng trưởng doanh số bán hàng của công ty tại Trung Quốc giảm khoảng 2-3% trong nửa đầu năm. Ngoài ra, hãng sản xuất xe Porsche của Đức cũng ghi nhận mức sụt giảm 1/3 doanh số bán hàng trong sáu tháng so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định suy thoái tiếp diễn tại thị trường bất động sản cũng như các lĩnh vực khác đã ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân.
Ngành bất động sản Trung Quốc đã phải đối diện với nhiều thách thức kể từ cuối năm 2021 và trong những tháng gần đây giá nhà giảm nhanh hơn. Theo các chuyên gia, những khó khăn đã làm suy giảm niềm tin cũng như nhu cầu trên thị trường bất động sản.
Còn theo các nhà phân tích của Fitch Ratings, dữ liệu cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống của Trung Quốc nửa đầu năm đã giảm xuống dưới mức 8% - lần đầu tiên kể từ năm 2010. Các chuyên gia nhận định suy giảm thu nhập khả dụng cùng với nhiều yếu tố khác đã dẫn đến việc cắt giảm chỉ tiêu. Họ cũng cảnh báo tình trạng này sẽ lan rộng từ lĩnh vực ăn uống sang các lĩnh vực khác như: gồm quần áo, mỹ phẩm và đồ trang sức.
“Niềm tin của người tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp, cùng với đó là những thách thức đến từ thị trường việc làm và thị trường bất động sản” - Giám đốc điều hành L’Oréal Nicolas Hieronimus cho biết.
Ngoài những khó khăn do suy giảm nhu cầu, các công ty đa quốc gia cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các công ty nội địa.
Trong bối cảnh nhu cầu xe điện đang tăng cao, các thương hiệu nước ngoài ghi nhận mức sụt giảm về doanh số bán xe du lịch tại Trung Quốc, từ mức 64% vào năm 2020 xuống mức 38% trong nửa đầu năm nay - theo công ty tư vấn Automobility tại Thượng Hải.
Các nhà sản xuất ô tô Đức đã bị ảnh hưởng do sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng bậc nhất.
Giám đốc điều hành Porsche Oliver Blume bày tỏ lo ngại về nhu cầu đối với các loại xe thể thao điện, mà điển hình là Porsche Taycan.
“Chúng tôi không rõ liệu lúc nào doanh số bán các loại xe này sẽ tăng trở lại” - ông chia sẻ.
Doanh số bán xe của Mercedes-Benz tại thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay cũng đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giám đốc điều hành Ola Kallenius cho biết thị trường xe ô tô tại quốc gia này đang hạ nhiệt, một phần là do cuộc khủng hoảng bất động sản.
"Chúng tôi không biết người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mất bao lâu để lấy lại được niềm tin" – ông cho biết.
Bill Russo, cựu giám đốc điều hành hãng xe Chrysler tại Trung Quốc, cho biết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc đang dần chuyển sang xe điện.
Tuy nhiên, Joey Wat, Giám đốc điều hành của Yum China, đã đưa ra những nhận định lạc quan sau khi nhà điều hành Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm tốt hơn dự kiến, với thu nhập tăng 8% lên 212 triệu USD.
“Dù với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Trung Quốc vẫn chiếm gần 1/3 mức tăng trưởng hàng năm trên toàn cầu cũng như là điểm đến lý tượng đối với các nhà đầu tư” – bà nhận định.