Đài RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tới Iran, có khả năng cung cấp lên đến 55 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho Tehran, bằng công suất của đường ống khí đốt Nord Stream 2 tới châu Âu.
Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 17/1, ông Putin thừa nhận các thách thức, nhưng nhấn mạnh dự án đang tiến triển.
Dự án siêu đường ống khí đốt này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận chiến lược rộng lớn hơn giữa Nga và Iran, được ký cùng ngày 17/1, cùng với biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và Công ty Khí đốt Quốc gia Iran hồi tháng 6/2024 nhằm thúc đẩy nguồn cung khí đốt từ Nga sang Iran.
“Hiện vẫn còn một số vấn đề về điều phối, định giá, các vấn đề kỹ thuật… nhưng công việc vẫn đang tiến triển. Dự án đang được thực hiện” - ông Putin trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Iran.
“Về khối lượng cung cấp tiềm năng, chúng tôi tin rằng cần bắt đầu với khối lượng nhỏ, khoảng 2 tỷ mét khối, nhưng trong tương lai có thể đạt công suất tới 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm” – người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Tsivilev, tuyến đường ống sẽ đi qua Azerbaijan, với lộ trình đã được xác định. Ông Tsivilev cho biết, Moscow và Tehran đang hoàn thiện các chi tiết như giá cả cho nguồn cung trong tương lai.
Mặc dù Iran sản xuất khoảng 270 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Nga, quốc gia Hồi giáo này đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trong nước do mức tiêu thụ cao và thiếu đầu tư, một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Với dân số khoảng 89 triệu người, Iran nằm trong nhóm các quốc gia có mức sử dụng khí đốt nội địa cao nhất thế giới.
Dự án đường ống khí đốt này phù hợp với kế hoạch của Tehran trong việc thiết lập một trung tâm khí đốt quốc tế phối hợp cùng Nga, Qatar và Turkmenistan, được công bố vào năm 2023.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo, Moscow và Tehran, với sự tham gia của Qatar và Turkmenistan, đang thảo luận về việc thành lập một trung tâm năng lượng, cũng như khả năng hoán đổi nguồn cung khí đốt tới miền bắc Iran. Ngoài ra, hai bên cũng xem xét khả năng xây dựng một nền tảng giao dịch khí đốt điện tử tại khu vực phía nam Iran.
Theo các điều khoản của biên bản ghi nhớ với Gazprom, thỏa thuận được ký với Gazprom hồi tháng 6 năm ngoái, khoảng 300 triệu mét khối khí đốt sẽ được Nga cung cấp hàng ngày qua biển Caspi. Đồng thời, Iran sẽ có quyền tái xuất khẩu lượng khí đốt dư thừa cho các quốc gia khác. Thỏa thuận này có thời hạn 30 năm và dự kiến mang lại cho Iran khoảng 10-12 tỷ USD mỗi năm.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ và một dự án năng lượng hạt nhân đang được triển khai.
Cũng trong ngày 17/1, Nga và Iran đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện kéo dài 20 năm. Hiệp ước không chỉ củng cố hợp tác năng lượng mà còn mở rộng ra các lĩnh vực an ninh, kinh tế, hàng hải và nhân đạo.
Chuyên gia Trung Đông Murad Sadygzade nhận định, Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga-Iran mới được ký kết gửi một thông điệp rõ ràng rằng hai quốc gia này quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương nhằm đối phó những thách thức trong hành trình tìm kiếm một trật tự quốc tế mới.
Theo chuyên gia Sadygzade, văn bản này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, thay vào đó chỉ tập trung tăng cường hợp tác về thương mại, kinh tế và nhân đạo giữa Nga và Iran trong bối cảnh cả hai nước đều chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dù thỏa thuận mang tính chiến lược, cả Moscow và Tehran khẳng định không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. “Nga và Iran sẽ không hỗ trợ quân sự hay bất kỳ hình thức nào cho bên gây hấn nếu một trong hai nước bị tấn công” - nội dung hiệp ước công bố trên trang web của Điện Kremlin nêu rõ.