Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thăm Văn Miếu Vĩnh Phúc tìm về phong vị Tết xưa

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Tết cổ truyền xưa và nay tái hiện không khí đón Tết, cùng một số lễ hội tiêu biểu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sẽ được trưng bày giới thiệu tại Văn Miếu Vĩnh Phúc dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Tết cổ truyền xưa và nay sẽ được trưng bày giới thiệu tại Văn Miếu Vĩnh Phúc dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh Sỹ Hào.
Nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Tết cổ truyền xưa và nay sẽ được trưng bày giới thiệu tại Văn Miếu Vĩnh Phúc dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh Sỹ Hào.

Gìn giữ, tiếp nối những nét đẹp của Tết cổ truyền

Đón Tết Giáp Thìn 2024, từ ngày 30/01/2024 đến ngày 19/2/2024 (20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng) tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc sẽ diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu về Tết cổ truyền xưa và nay, tái hiện không khí đón Tết cùng một số lễ hội tiêu biểu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Khu nội tự Văn Miếu Vĩnh Phúc sẽ diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu và tái hiện nét đặc sắc trong không khí đón Tết của các dân tộc sinh sống trên địa bàn Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Khu nội tự Văn Miếu Vĩnh Phúc sẽ diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu và tái hiện nét đặc sắc trong không khí đón Tết của các dân tộc sinh sống trên địa bàn Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Các hoạt động bổ trợ khác cũng diễn ra trong dịp này như: tặng chữ đầu Xuân, thư pháp, các trò chơi dân gian được triển khai thực hiện nhằm mục đích tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thiết thực chào đón năm mới Xuân Giáp Thìn 2024.

Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, ông Lê Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phúc, phụ trách Văn Miếu cho biết, trong dịp đón Tết Giáp Thìn, Văn Miếu Vĩnh Phúc được lựa chọn là địa điểm tổ chức chuyên đề “Tết xưa và nay”, với nhiều sự kiện mô tả không khí Tết, công tác chuẩn bị đón Tết và ý nghĩa cơ bản của những hoạt động thực hành các lễ nghi, phong tục mang tính linh thiêng trong dịp Tết.

“Từ những giá trị nhân văn sâu sắc, những truyền thống văn hóa tốt đẹp nhằm tuyên truyền về việc cần phải gìn giữ, tiếp nối những nét đẹp của Tết cổ truyền, để các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau trân trọng gìn giữ và phát huy. Đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, Tết cổ truyền vẫn là sự kiện thiêng liêng, là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc.” – ông Lê Hải chia sẻ.

Về miền ký ức Tết xưa

Du khách vãn cảnh Văn Miếu dịp đón Xuân Giáp Thìn, được đắm chìm trong không khí chuẩn bị đón Tết, qua các hình ảnh tái hiện: chợ quê, chợ hoa ngày Tết, làng hoa vào vụ Tết; trang hoàng, dọn dẹp bày trí, nhà cửa, sửa biện bàn thờ bày mâm ngũ quả; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, gói bánh chưng, bánh tét, đun nấu bánh chưng…

Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều hình ảnh tư liệu về các hoạt động thực hành các phong tục, tập quán, tín ngưỡng vui chơi, giải trí tiêu biểu và đặc sắc dịp Tết: Sửa biện cúng Tết ông Công ông Táo, thả cá chép; thăm mộ tổ tiên (tảo mộ); sửa biện, bày cúng tổ tiên, cúng tất niên, cúng giao thừa; hái lộc; chúc Tết; mừng tuổi; đi lễ - du Xuân đầu năm; một số trò chơi dân gian ngày Tết…

Nhiều bạn trẻ tìm đến Văn Miếu Vĩnh Phúc để được hiểu hơn về truyền thống hiếu học của các bậc tiên thánh tiên hiền, danh nhân khoa bảng tại Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Nhiều bạn trẻ tìm đến Văn Miếu Vĩnh Phúc để được hiểu hơn về truyền thống hiếu học của các bậc tiên thánh tiên hiền, danh nhân khoa bảng tại Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Từ những trải nghiệm tại Văn Miếu Vĩnh Phúc dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, du khách có cơ hội thực sự trở về với miền ký ức Tết xưa, trang nghiêm, thành kính trong lành nhưng cũng không kém phần náo nhiệt vui tươi.

Theo ông Lê Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phúc, không khí đón Tết cổ truyền của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vừa mang những nét chung của vùng đồng bằng Bắc bộ, vừa có những đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số (Dao, Sán Dìu, Cao Lan) sinh sống trên địa bàn, với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Nổi bật là các hoạt động lễ hội truyền thống vào dịp đầu Xuân trên địa bàn tỉnh.

Việc tái hiện không khí đón Tết, nhằm giúp du khách tìm hiểu về không khí chuẩn bị Tết của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm người Kinh, Dao, Sán Dìu, Cao Lan. Tìm hiểu về các lễ hội truyền thống dịp Tết (những ngày đầu Xuân) tiêu biểu, đặc sắc diễn ra trên địa tỉnh Vĩnh Phúc.

Ban tổ chức chuyên đề “Tết xưa và nay” tại Văn Miếu cũng sẽ trưng bày các hiện vật, đồ dùng, cụng cụ, vật dụng, vậy liệu trang trí… nhằm tái hiện không gian Tết truyền thống của người Việt (du khách có thể chụp ảnh checkin ngay tại không gian trưng bày).

Cảnh sắc mùa Xuân tươi đẹp tại khuôn viên Văn Miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Cảnh sắc mùa Xuân tươi đẹp tại khuôn viên Văn Miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Bên cạnh đó, nhân dịp này Công đoàn Bảo tàng Vĩnh Phúc cũng thí điểm khu dịch vụ tại khuôn viên Văn Miếu – nơi cảnh sắc thiên nhiên đang được tô điểm bởi bạt ngàn các loài hoa đưa hương, khoe sắc, để du khách hòa mình vào không gian lộng lẫy giữa cảnh sắc đất trời vào Xuân.

Được biết, chương trình do Bảo tàng Vĩnh Phúc tổ chức, thời gian dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 30/01/2024 đến ngày 19/2/2024 (20 tháng Chạp đến 10 tháng Giêng) tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc.