Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy cô chia sẻ phương pháp học tập hiệu quả với từng môn học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đổi mới phương pháp dạy học, tăng hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục… là những yêu cầu của giáo dục hiện đại. Bắt kịp xu thế, những giáo viên nhiệt huyết, yêu công nghệ đã có nhiều sáng tạo trong dạy học, giúp tăng hiệu quả giáo dục của các nhà trường.

Truyền cảm hứng tới học sinh

Tại trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), cô giáo Trần Thị Mai Trang được biết đến là giáo viên luôn nghiên cứu, tìm tòi để mang đến cho học sinh những tiết học thú vị mà ở đó, các em được thỏa sức sáng tạo. Câu hỏi: “Làm thế nào để truyền được cảm hứng học tập, tự nguyện khám phá tri thức cho học sinh, đặc biệt là các em nhỏ lứa tuổi tiểu học?” luôn khiến cô Trang trăn trở, và rồi cô đã mang phương pháp học tập bằng dự án vào lớp học. Các dự án cô Trang và học trò của mình đã thực hiện rất thành công như: “Chúng em tái chế, Đèn lồng trong mắt em – Làm đèn lồng bằng vật liệu tái chế;  Khám phá khoa học - Làm thí nghiệm không khó”. Đặc biệt với hai dự án “Học Tiếng Việt qua nghệ thuật” (kịch rối) và  “Làm phim hoạt hình không khó“ mà cô Trang thực hiện đã được học sinh rất yêu thích và hào hứng tham gia.

Học sinh trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng hào hứng với sáng chế Robot
Học sinh trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng hào hứng với sáng chế Robot

Đưa các dự án vào giờ học cũng là cách thức được cô giáo Nguyễn Minh Thu, trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông) áp dụng thành công suốt 3 năm nay. Là tổ trưởng tổ Toán- Tin cùng lợi thế về CNTT, cô Thu đã dành nhiều thời gian suy nghĩ, sáng tạo và thực hiện các dự án tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học môn Toán như: Dự án Học một trang; sáng tác bài hát/truyện/thơ/sách có nội dung Toán học; thiết kế trò chơi sáng tạo; Toán học và cuộc sống; mô hình thực tế ảo; dạy kĩ năng sống thông qua môn học;  dạy học STEM... Các tiết học dự án của cô thực sự gây sức hút với học sinh, giúp các em hiểu bài nhanh, nhớ bài lâu và không còn sợ khi thời khóa biểu có tiết Toán như trước.

Cũng với môn Toán, thầy Nguyễn Khánh Hoàn, trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai) đã suy nghĩ và tìm ra cách giảng dạy của riêng mình. Hầu hết các tiết học trên lớp thầy đều biến những bài toán thuần túy thành các bài toán thực tiễn để giảng dạy. Không những thế, thầy còn tổ chức dạy học theo hình thức sân khấu hóa và cho học sinh tham gia những buổi hội chợ để các em biết vận dụng kiến thức Toán học vào thực tế. Những năm qua, thầy Hoàn đã áp dụng thành công giải pháp “Tạo hứng thú học tập môn toán thông qua bài toán thực tế” vào công tác giảng dạy đối tượng học sinh đại trà và mũi nhọn.

Giúp kiến thức thẩm thấu qua trò chơi

Thầy Vũ Tiến Thịnh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) có lối dạy Ngữ văn thu hút nhiều thế hệ học trò bởi những sáng tạo rất mới mẻ trong phương pháp dạy Ngữ văn. Xuất phát từ thực tế ở cấp THCS hiện nay với đặc thù “thi gì học nấy”, nhiều thầy cô thường giản lược bớt các bài làm văn thuyết minh để các học sinh có thời gian thực hiện các bài văn nghị luận. Từ đặc điểm này dẫn đến việc học sinh phải ghi nhớ thông tin máy móc, dễ nhàm chán, thiếu tính sáng tạo trong học và ghi nhớ kiến thức Ngữ văn. Luôn mong muốn học sinh học Ngữ văn nhẹ nhàng, thực chất và nhận thức tầm quan trọng của học văn thuyết minh, thầy Thịnh đã để các em khéo léo lồng ghép tri thức về đối tượng thuyết minh qua các trò chơi truyền hình gần gũi, hiện đại như: Tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long theo motip “Bố ơi mình đi đâu thế”, khám phá Phố cổ Hà Nội dựa trên fomat “Cuộc đua kì thú”, nghiên cứu lịch sử Gò Đống Đa dưới hình thức “Running Man – Chạy đi chờ chi”… Kết quả là chất lượng học tập môn Ngữ văn của học sinh đã được cải thiện đáng kể.

Học sinh THCS Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm có nhiều giờ học sáng tạo
Học sinh THCS Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm có nhiều giờ học sáng tạo

Để giúp học sinh hứng thú với bộ môn Hóa học, cô Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên dạy Hóa, trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng) đã tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa như: Hóa học vui, Rung chuông vàng Hóa học; ở đó, các em cùng nhau thực hiện nhiều thí nghiệm vui, xây dựng và đóng tiểu phẩm mang đậm chất Hóa học; ngoài ra học sinh còn được được thiết kế, trình diễn thời trang về các nguyên tố Hóa học cũng như tham gia hoạt động trải nghiệm STEM (làm bánh xà phòng, làm nước rửa tay sát khuẩn, làm giấm ăn từ các loại quả ...).

Đối với môn Sinh, cùng tinh thần chủ động, sáng tạo, tiên phong trong việc đổi mới phương pháp và ứng dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Sinh học trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) còn kết hợp dạy Sinh học từ kiến thức liên môn. Cụ thể, cô đã tinh tế đưa những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ gần gũi, quen thuộc vào các tiết dạy để học sinh dễ dàng hiểu bản chất và liên hệ với thực tế đời sống. Cô còn làm thơ và động viên các em cũng làm thơ để ghi nhớ nhanh kiến thức. Hơn thế nữa, cô luôn thay đổi không khí lớp học qua việc cho học sinh diễn kịch, biểu diễn thời trang; nhờ đó các giờ học của cô luôn được học sinh đón nhận rất nhiệt tình. 

Điểm chung của các thầy cô giáo kể trên, đó là ngoài tình yêu và sự tâm huyết với nghề còn là tinh thần trách nhiệm hết lòng vì học sinh. Những tìm tòi, sáng tạo của thầy cô về phương pháp dạy học đã góp phần làm đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW và định hướng phát triển giáo dục tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.