Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thủ hiến Đức muốn nối lại đối thoại với Nga, hồi sinh Nord Stream

Kinhtedothi - Thủ hiến bang Sachsen của Đức nói rằng việc xem xét khả năng tái khởi động đường ống khí đốt Nord Stream có thể là cơ hội để nối lại đối thoại giữa Berlin và Moscow. Điều này sẽ có lợi cho cả hai nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang chịu áp lực ngày càng lớn từ giá năng lượng cao và làn sóng doanh nghiệp rút khỏi thị trường nội địa, Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer, vừa kêu gọi Chính phủ Đức nối lại đối thoại với Nga và xem xét khôi phục hoạt động của các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.

Phát biểu này không chỉ thách thức chính sách đối đầu hiện tại của Berlin mà còn làm dấy lên tranh luận về tương lai năng lượng và địa chính trị của Đức cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu.

Một nhánh của đường ống khí đốt Nord Strream 2 vẫn nguyên vẹn sau vụ phá hoại vào tháng 9/2022. Ảnh: https://www.plenglish.com

Trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit ngày 26/5, ông Kretschmer, người đồng thời giữ vai trò Phó Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), cho rằng chính sách trừng phạt và cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow trong 2 năm qua đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Thay vào đó, theo ông, chúng đang hủy hoại nền công nghiệp Đức và đẩy đất nước đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng sản xuất sâu rộng.

“Chúng ta cần một cách tiếp cận tích cực với Nga. Nord Stream là một cơ hội để bắt đầu đối thoại với Nga. Việc khởi động các cuộc đàm phán như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia,” ông Kretschmer nhấn mạnh.

Ông lập luận rằng nền kinh tế Đức vẫn cần ít nhất 20% nguồn cung khí đốt từ Nga để có thể duy trì hoạt động bình thường. Trước khi bùng phát chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Nga cung cấp tới 55–60% lượng khí đốt tiêu thụ tại Đức, giúp các ngành công nghiệp then chốt như hóa chất, luyện kim, cơ khí nặng giữ được lợi thế cạnh tranh.

Sau khi nguồn cung này bị cắt đứt bởi các lệnh trừng phạt chống Nga và vụ phá hoại các đường ống Nord Stream, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt, trong giai đoạn đỉnh điểm lên tới gấp 4 lần mức trung bình của năm trước đó.

Giá năng lượng tăng cao tại Đức làm giảm năng lực sản xuất, dẫn đến làn sóng sa thải nhân công và hiện tượng “di cư công nghiệp” khi nhiều doanh nghiệp Đức bắt đầu chuyển nhà máy ra nước ngoài.

“Nếu tình hình không thay đổi, chính chúng ta, chứ không phải Nga, sẽ phải điều chỉnh chính sách trong vòng một hoặc hai năm tới,” ông Kretschmer cảnh báo.

Tuyên bố của Thủ hiến bang Sachsen trái ngược hoàn toàn với lập trường cứng rắn của Thủ tướng Đức Friedrich Merz.

Thủ tướng Merz hiện đang tích cực vận động trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng các đường ống Nord Stream, bao gồm cả tuyến Nord Stream 2, và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục thương mại năng lượng với Moscow.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện các thông tin cho rằng Nga và Mỹ đang âm thầm thăm dò khả năng khôi phục hoạt động của đường ống Nord Stream 2, như một phần của các nỗ lực rộng hơn nhằm bình thường hóa quan hệ song phương.

Thủ tướng Đức đã tìm cách dập tắt mọi cuộc tranh luận trong nước về tiềm năng tái khởi động cặp đường ống này.

Mặc dù không có quyền kiểm soát nhà nước đối với bất kỳ đường ống nào trong số 2 đường ống đôi này – hiện đang bị vô hiệu hóa sau khi các vụ nổ làm hư hại 3 nhánh trong số đó vào năm 2022, Berlin sẽ phải cấp chứng nhận cho bất kỳ hoạt động nào của đường ống dẫn khí đốt.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Thủ tướng Đức Merz. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định các đường ống Nord Stream sẽ nằm trong gói trừng phạt thứ 18 sắp tới nhằm vào Nga. Gói biện pháp mới được cho là sẽ nhắm vào Nord Stream 2 AG – công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ sở hữu đường ống, cũng như bất kỳ đơn vị nào liên quan đến nỗ lực khởi động hoặc vận hành lại đường ống.

Tuy nhiên, tại Đức, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng ủng hộ việc nối lại hợp tác năng lượng với Nga. Ông Christian Gunther, Giám đốc điều hành khu công nghiệp hóa chất Leuna tại miền Đông nước Đức, nhận định với Reuters rằng khí đốt giá rẻ từ Nga là yếu tố then chốt để tái khởi động các lĩnh vực sản xuất như hóa chất, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong hai năm qua.

Về phần mình, Nga tuyên bố sẵn sàng khôi phục cung cấp khí đốt cho châu Âu và tiếp tục khẳng định vị thế là một đối tác năng lượng đáng tin cậy. Moscow cáo buộc vụ phá hoại Nord Stream vào tháng 9/2022 là hành động khủng bố năng lượng có chủ đích do tình báo phương Tây thực hiện, dù đến nay chưa có cuộc điều tra quốc tế độc lập nào được công bố rõ ràng.

Ba trong số bốn tuyến ống của hệ thống Nord Stream đã bị phá hủy trong loạt vụ nổ dưới lòng biển Baltic, khiến phần lớn cơ sở hạ tầng dẫn khí đốt giữa Nga và Đức tê liệt. Tuy nhiên, một nhánh của đường ống Nord Stream 2 vẫn còn nguyên vẹn, và việc khôi phục hoạt động không phải là điều bất khả thi về mặt kỹ thuật.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thách thức tài khóa đè nặng lên triển vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản

Thách thức tài khóa đè nặng lên triển vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản

27 May, 03:58 PM

Kinhtedothi - Trước áp lực nợ công kỷ lục và lãi suất tăng cao, Nhật Bản đang tính đến việc giảm phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để ổn định thị trường. Kế hoạch xem xét giảm phát hành trái phiếu kỳ hạn dài được xem là biện pháp phản ứng ngắn hạn, không đủ để giải quyết những rủi ro về tài chính công

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ