Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ukraine sắp nhận tên lửa phòng không Mỹ

Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Mỹ cùng các nước châu Âu đang tăng cường viện trợ phòng không giúp Ukraine củng cố năng lực phòng thủ.

Mỹ và các đồng minh đang đẩy mạnh hỗ trợ hệ thống phòng không cho Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công gần đây nhằm vào TP Kiev và nhiều khu vực đô thị, khiến tình hình an ninh tại quốc gia này thêm căng thẳng.

Bốn quan chức Mỹ cho biết một hệ thống Patriot đang được tân trang tại Israel sẽ sớm được chuyển đến Ukraine. Bên cạnh đó, Đức hoặc Hy Lạp cũng đang được xem xét cung cấp thêm một hệ thống khác.

Hiện Ukraine có tám hệ thống Patriot, trong đó hai hệ thống đang được bảo trì. Ảnh: dpa

Hiện Ukraine có tám hệ thống Patriot, trong đó hai hệ thống đang được bảo trì. Nếu hai hệ thống mới được bàn giao đúng kế hoạch, Ukraine sẽ có tổng cộng mười hệ thống Patriot, chủ yếu triển khai tại TP Kiev.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào ngày 24/4 đã gây thương vong lớn tại TP Kiev. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraine ông Ihor Klymenko, hệ thống phòng không hiện tại chưa đủ khả năng ứng phó với các cuộc tấn công có quy mô lớn và diễn ra đồng thời.

Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất có chi phí xây dựng không dưới 1 tỷ USD và yêu cầu khoảng 90 quân nhân để vận hành. Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London cho thấy có khoảng 186 hệ thống đang hoạt động trên toàn thế giới, trong đó Mỹ sở hữu khoảng một phần ba và nhiều hệ thống đã được triển khai tới châu Âu, Trung Đông và khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận với Israel về việc tân trang và chuyển giao hệ thống Patriot đã được thống nhất từ tháng 9 năm ngoái, trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận việc cung cấp thiết bị cho Ukraine vẫn đang được thực hiện từ các gói đã được phê duyệt trước đó.

Theo quy định của Mỹ về xuất khẩu thiết bị quốc phòng, việc chuyển giao hệ thống Patriot, kể cả thông qua các quốc gia khác, đều cần có sự chấp thuận của Washington. Các hệ thống này được đánh giá là nguồn lực chiến lược, thường được điều động linh hoạt tùy theo các ưu tiên an ninh toàn cầu.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ông James Hewitt cho biết không thể tiết lộ thông tin cụ thể về vị trí và năng lực hệ thống phòng thủ, nhưng nhấn mạnh: “Tổng thống Trump mong muốn sớm chấm dứt chiến sự và bảo vệ sinh mạng người dân.”

Đọc thêm: EU thúc đẩy hợp tác chiến lược mới giữa những bất ổn của thương mại toàn cầu

Trong thời gian gần đây, lập trường của ông Trump về cuộc xung đột cũng có dấu hiệu thay đổi. Cuộc gặp mới đây giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại TP Vatican đã tạo ra không khí tích cực hơn so với buổi gặp tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2.

Sau buổi tiếp xúc này, ông Trump cho biết ông Zelensky đã đề cập đến thỏa thuận hợp tác khai thác tài nguyên và mong muốn được tăng cường khả năng phòng không thông qua các hệ thống Patriot. “Ông ấy muốn có thêm thiết bị để bảo vệ đất nước” - ông Trump chia sẻ, đồng thời cho rằng đó là điều dễ hiểu từ góc độ của một nhà lãnh đạo quốc gia.

Thỏa thuận khai thác khoáng sản được hai bên ký kết vào ngày 1/5. Tuy không nêu rõ các điều khoản quốc phòng, văn kiện này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường viện trợ nếu các nỗ lực hòa bình chưa mang lại kết quả.

Phát biểu tối hôm sau, ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng mua thêm hệ thống Patriot với ngân sách quốc gia.

“Đây không phải viện trợ nhân đạo, mà là khoản đầu tư cho an ninh quốc gia” - ông nhấn mạnh.

Kể từ tháng 4/2023, khi Mỹ lần đầu bàn giao hệ thống Patriot, Ukraine đã tiếp nhận tám hệ thống, nhưng đến nay chỉ có sáu hoạt động ổn định. Nguồn tên lửa thay thế cũng đang trong tình trạng hạn chế, gây áp lực lớn đối với khả năng ứng phó trước các tình huống tấn công dồn dập.

Theo quan chức Mỹ, hệ thống Patriot đang được Israel nâng cấp là phiên bản cũ hơn, dự kiến hoàn tất quá trình tân trang vào mùa hè năm nay. Trong khi đó, Đức và Hy Lạp, đang sở hữu khoảng 15 hệ thống, vẫn đang cân nhắc việc cung cấp thêm một tổ hợp cho Ukraine.

Viện trợ tăng cường nhưng hệ thống phòng không vẫn chịu nhiều áp lực

Trong các đợt tấn công gần đây, hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa đã được phóng gần như đồng thời vào nhiều TP của Ukraine. Một số chuyên gia quốc phòng nhận định đây có thể là chiến thuật được Nga sử dụng có chủ đích nhằm gây quá tải cho các hệ thống phòng không hiện đại, kể cả những tổ hợp tiên tiến như Patriot.

Hiện tại, Ukraine vẫn đang nhận viện trợ từ các gói đã được phê duyệt trước đó dưới thời Tổng thống Biden, nhưng nguồn hỗ trợ này dự kiến sẽ kết thúc vào mùa Hè. Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình chưa có kết quả rõ rệt, hệ thống Patriot tiếp tục là chốt chặn quan trọng trong chiến lược bảo vệ không phận của Ukraine, đồng thời phản ánh sự phối hợp giữa Mỹ và các đối tác quốc tế trong việc ứng phó với diễn biến an ninh đang thay đổi.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lật thuyền du lịch tại Trung Quốc, ít nhất 9 người chết

Lật thuyền du lịch tại Trung Quốc, ít nhất 9 người chết

05 May, 10:21 AM

Kinhtedothi - Một vụ lật thuyền du lịch nghiêm trọng đã xảy ra tại khu danh thắng Bách Lý Họa Lang, thị xã Kiềm Tây, thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng chục người nhập viện.

Mỹ áp thuế 100% lên phim nhập khẩu

Mỹ áp thuế 100% lên phim nhập khẩu

05 May, 08:51 AM

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đới với tất cả các sản phẩm phim ảnh nhập khẩu vào Mỹ, bước đi nhằm mục tiêu khôi phục ngành giải trí Hollywood.

Iran cảnh báo nóng đến Mỹ và Israel

Iran cảnh báo nóng đến Mỹ và Israel

05 May, 07:27 AM

Kinhtedothi - Căng thẳng leo thang giữa Tehran và Tel Aviv sau khi lực lượng Houthi phóng tên lửa vào kho vực gần sân bay quốc tế Ben Gurion của Israel hôm 4/5.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ