Lý Xương Căn, tên tiếng Hàn là Lee Chang Kun, sinh năm 1958 tại Seoul, Hàn Quốc, là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ (974-1028) - người sáng lập ra nhà Lý (1009-1225) - người đã chọn thành Đại La làm kinh đô và đổi tên thành Thăng Long ("Rồng bay", Hà Nội ngày nay).
Lý Xương Căn cũng là hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường (Lee Yong Sang), con trai của vua Lý Anh Tông và là hậu duệ đời thứ 6 của Lý Thái Tổ. Vào năm 1224-1226, Hoàng tử Lý Long Tường và một đoàn tùy tùng đã đến Vương quốc Cao Ly (cai trị Bán đảo Triều Tiên từ năm 918 đến năm 1392) sau cuộc đảo chính lật đổ vị vua cuối cùng của nhà Lý.
Sau khi đến Hwasan, Đảo Hwanghae của Vương quốc Cao Ly (Goryeo (고려), Lý Long Tường đã cứu người dân Quận Ongjin khỏi bọn cướp biển. Sau đó, ông giúp vua Gojong của Cao Ly đánh bại quân Mông Cổ. Những chiến công này đã giúp ông nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của vua Gojong (1213-1259). Lý Long Tường được phong tước hiệu Hoa Sơn Quân (Hwasangun) hay Tướng quân ở Hwasan và được thưởng một vùng đất rộng lớn để an cư. Chi tiết về hoàng tử Việt Nam được kể lại trong cuốn sách “Dòng Họ Nhập Tịch Đã Thay Đổi Lịch Sử Của Chúng Ta” của Park Gi-hyun.
Tương truyền, lúc sinh thời hoàng tử có một tình yêu bất diệt với quê hương. Mong muốn trọn đời của Lý Long Tường là về lại cố quốc đã không được thực hiện cho đến khi Lý Xương Căn trở về vào năm 1994 (năm Mậu Tuất, trùng với năm sinh của vua Lý Thái Tổ), hai năm sau khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Phải mất gần tám thế kỷ, ước nguyện của Hoàng tử mới thành hiện thực. Hành trình đó tượng trưng cho nỗi khát khao của những người con Việt Nam luôn đau đáu về quê hương.
Suốt ba thập kỷ qua, Lý Xương Căn, một trong những hậu duệ của nhà Lý, đã góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc. Đặc biệt, ông đã chọn sống ở Việt Nam và gắn bó đến tận bây giờ. Ông đã nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2010 và được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc trong ba nhiệm kỳ liên tiếp: 2017-2020, 2021-2024 và 2025-2029.
Ông nguyện dành phần đời còn lại thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ hai nước.
Tôi được biết thông tin về cội nguồn của mình vào năm 1967, khi lên 10. Thời điểm đó, tin tức về dòng dõi nhà Lý sống ở Hàn Quốc trở thành chủ đề lớn trên các phương tiện truyền thông.
Khi lớn hơn, tôi được bố và bác ruột kể nhiều về nguồn gốc Việt Nam và dòng dõi hoàng tộc của mình. Kể từ đó, tình yêu quê hương nảy nở trong trái tim tôi. Dường như số phận và sứ mệnh của tôi gắn với Việt Nam.
Khi nghe tin Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12 năm 1992, tôi vô cùng vui sướng. Với mong muốn được trở về quê cha đất tổ, tôi quyết định nghỉ việc để dễ bề đi lại.
Tôi đã tìm gặp Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc, cũng là người rất thông thạo tiếng Hàn. Đại sứ rất vui khi gặp một hậu duệ nhà Lý vì trước đó ông được các nhà lãnh đạo và trí thức Việt Nam giao nhiệm vụ tìm kiếm dòng dõi nhà Lý khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Hàn Quốc.
Ông là người giúp tôi trở về Việt Nam, nơi tôi được gặp các lãnh đạo cấp cao và giáo sư sử học Phan Huy Lê, được tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của nhà Lý bị lãng quên.
Ngày 18 tháng 5 năm 1994 tôi đến thăm Đền Đô ở Bắc Ninh, nơi thờ tám vị vua Lý. Từ ông quản đền cho đến các bô lão trong làng tất thảy đều ngạc nhiên và mừng rỡ chào đón tôi, kể cho tôi nghe những câu chuyện lịch sử triều Lý.
Lời sấm truyền “Bao giờ rừng Báng hết cây, Tào khê cạn nước, Lý nay lại về” cuối cùng đã thành sự thật khiến mọi người khó tin và vỡ òa. Tôi đã rơi nước mắt khi là hậu duệ đầu tiên bước vào đền thờ các vị tiền nhân.
Cảm xúc và sự phấn khích của một hậu duệ dòng dõi hoàng tộc xâm chiếm trái tim tôi, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi.
Tôi báo với họ hàng ở Hàn Quốc về những ghi chép lịch sử của triều Lý ở Việt Nam, nơi tôn kính tám vị vua và lễ tưởng niệm vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Khán giả Hàn Quốc cũng được biết về câu chuyện của hậu duệ nhà Lý qua bộ phim tài liệu do kênh truyền hình KBS của Hàn Quốc sản xuất.
Khi tha hương, Hoàng tử Lý Long Tường hy vọng một ngày con cháu ông sẽ tìm về cố quốc. Mong muốn của ông đã được một hậu duệ thực hiện vào năm 1994, sau 769 năm. Tôi tin rằng linh hồn ông cuối cùng cũng trở về với tổ tiên.
Như một lẽ tự nhiên, bản thân tôi không nghĩ nhiều trước quyết định về Việt Nam sinh sống. Khi rời Hàn Quốc, tôi đã tâm niệm khi chết sẽ nằm lại quê hương của tổ tiên. Trở về Việt Nam, tôi vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu, sự quan tâm và tình cảm từ các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam. Các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về câu chuyện của những hậu duệ chúng tôi. Sau thích nghi và có cuộc sống ổn định ở Hà Nội, gia đình tôi được nhập quốc tịch Việt Nam vào tháng 6 năm 2010. Giờ đây cả ba đứa con tôi, một gái và hai trai, đều đã trưởng thành, tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn những gì nhận được ở Việt Nam.
Vì vậy, tôi xác định sẽ dành phần đời còn lại để đóng góp cho sự phát triển của đất nước và kiên định với suy nghĩ đó.
Chúng ta có thể hiểu về Hoàng tử thông qua năm cách giải thích lịch sử, các hoạt động và cuộc sống của con cháu ông, cùng những điều không được ghi chép trong lịch sử.
Tôi nghĩ bộ phim thu hút sự chú ý của người xem vì nó truyền tải những giá trị truyền thống sâu sắc của dân tộc và giúp thế hệ trẻ hiểu về Hoàng tử và sử Việt.
Chứng kiến sự suy thoái các giá trị đạo đức tại Hàn Quốc sau đà tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, tôi mong muốn giúp những người trẻ Việt Nam ý thức được truyền thống lâu đời và tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, đặc biệt là Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cũng thông qua kênh, tôi muốn truyền cảm hứng tự hào cho hơn sáu triệu người Việt Nam ở nước ngoài về quê hương mình và thúc đẩy kết nối Việt Nam với thế giới.
Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã buộc con cháu của Lý Long Tường phải rời khỏi Ongjin, nay là Hwanghae-do (trước đây là Goryeo), và di chuyển về phía nam. Chiến tranh đã khiến con cháu hoàng tử ly tán, một số ở Bắc Triều Tiên và phần lớn ở Hàn Quốc. Cho đến nay, không có thông tin về những người sống ở CHDCND Triều Tiên còn cộng đồng ở Hàn Quốc (Dòng họ Lý Hoa Sơn) có khoảng 2.000 người.
Điều đáng mừng là gia tộc họ Lý ở Hàn Quốc luôn chú trọng lưu giữ gia phả và duy trì truyền thống văn hóa qua nhiều thế hệ.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, con cháu ở Hàn Quốc đã xây dựng một ngôi đền mang tên Manguk ở Seoul để tưởng nhớ vùng đất mà họ đã mất ở miền Bắc. Hàng năm chúng tôi đến đó để thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc vào năm 1992 đã giúp các hậu duệ nhà Lý thăm Việt Nam thường xuyên, giúp thắt chặt mối quan hệ hai nước.
Kể từ năm 1992, trong các chuyến thăm cấp nhà nước, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh mối liên hệ lịch sử và vai trò kết nối của hậu duệ nhà Lý.
Bản thân tôi đã cho thế giới biết rằng Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ đặc biệt lâu đời. Thông qua các phương tiện truyền thông, con cháu họ Lý ở Hàn Quốc nhận thức được gốc gác của mình và đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Đến nay, Việt Nam là điểm đến gần gũi và đáng tin cậy của nhiều nhà đầu tư và khách du lịch Hàn Quốc.
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người tôn trọng và ghi nhận giá trị lịch sử của nhà Lý và quan tâm đến hậu duệ đang sống tại Hàn Quốc. Đó là tinh thần dân tộc đặc trưng của người Việt, đúng như nhận xét "Một quốc gia tôn trọng quá khứ của mình thì sẽ thịnh vượng!"
Với tư cách là đại sứ du lịch của Việt Nam, tôi đã đề xuất đa dạng hóa sản phẩm du lịch và chú trọng công nghệ để du khách có trải nghiệm thoải mái, giúp tăng thuế cho đất nước. Tôi cũng làm việc với các cơ quan chức năng hai nước để góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hiện tôi đang chuẩn bị cho một bộ phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giúp quảng bá văn hóa và du lịch hai nước. Bộ phim về Hoàng tử Lý Long Tường mang tên “Huyền Thoại Về Một Hoàng Tử Bị Lãng Quên” được kỳ vọng là sản phẩm văn hóa đặc sắc, mở ra một chương mới cho sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác cùng phát triển.
Con trai lớn của tôi được nuôi dưỡng từ cả hai nền văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Cháu đã học từ Tiểu học đến Đại học ở Việt Nam và hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc. Hiện cháu sống và làm việc tại Việt Nam và tiếp tục khám phá cả hai nền văn hóa. Cháu hiểu những gì tôi làm trong thời gian qua.
Khi trở về Việt Nam năm 1994, Lý Xương Căn đã viết trong cuốn sổ lưu niệm tại Đền Lý Bát Đế (đền thờ tám vị vua nhà Lý): “Chúng con nguyện không làm điều gì tổn hại đến anh linh cao quý của tổ tiên với ý thức và sứ mệnh đặc biệt”.
“Sứ mệnh đặc biệt” của Lý Xương Căn có ý nghĩa tâm linh như tổ tiên đã truyền lại không? Đã gần 1.000 năm (984 năm) kể từ khi vua Lý Thái Tổ lập nên nhà Lý, hậu duệ của ông đã trở về quê cha đất tổ đúng năm đó (năm Mậu Tuất).
Sự trở về của những người mang dòng máu Việt được coi là biểu hiện của ý thức cội nguồn, minh chứng cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
08:00 16/07/2024