Một sáng tháng 4/2024, người dân huyện Bailundo, tỉnh Huambo, Angola phấn khởi gặt lúa trên chính mảnh đất của mình do những người bạn Việt Nam hướng dẫn canh tác.
Họ chạm vào từng bông lúa, ngửi và cảm nhận vụ mùa đầu tiên ở quốc gia châu Phi có sa mạc cận Sahara, nơi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đều bất lợi cho việc trồng lúa nước.
Vụ thu hoạch là kết quả của bao nhiêu công sức mà Phạm Quang Linh, chàng trai Việt Nam 27 tuổi, và nhóm của anh ấp ủ trong nhiều năm cùng không ít lần thử nghiệm.
Lindo, thành viên Team châu Phi của Quang Linh, trầm trồ rằng anh chưa bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó sẽ được thấy vụ lúa bội thu ở đất nước khô cằn sỏi đá, nhất là việc trồng lúa đòi hỏi kỹ thuật và dày công chăm bón.
Quang Linh cho hay, nhóm đã tốn rất nhiều công sức để đưa giống từ Việt Nam sang và áp dụng các mô hình, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc phù hợp.
Linh Philip, một thành viên của Team châu Phi, cho biết chỉ riêng vụ lúa vừa rồi đã mất ba tháng rưỡi. Tuy nhiên, nhóm vẫn có kế hoạch mở rộng diện tích lúa ở làng Chilembo vào mùa khô năm nay.
Tin tức về việc trồng lúa thành công ở quốc gia châu Phi xa xôi cách Việt Nam 10.000 km đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông, dấy lên sự ngưỡng mộ dành cho Quang Linh và những người bạn.
Tin tức lan rộng đến mức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Angola, António Francisco de Assi, đã đến tận trang trại động viên nhóm. Ông ca ngợi mô hình nông nghiệp của họ và coi vụ lúa là một "thần kỳ". Ông cũng mua 5kg gạo về ăn thử.
Với bất kỳ loại cây trồng nào, Quang Linh luôn tìm cách dạy người dân địa phương làm chủ kỹ thuật canh tác. Bởi lẽ anh cho rằng "trao cần câu tốt hơn cho con cá".
Khi đến thăm cánh đồng lúa, Chủ tịch Huyện Bailundo nói với dân làng rằng được làm việc với người Việt Nam ở Trang trại Quang Linh là cơ hội học hỏi kinh nghiệp để phát triển quê hương.
Hiện Trang trại Quang Linh rộng 30 ha ở tỉnh Huambo là một quần thể gồm ao cá, nhiều loại cây cho bóng mát, nhiều loại cây trồng như ngô, khoai tây, khoai lang, sắn, dâu tây,...
Theo Tiến TuTi, thành viên của nhóm, không thể đong đếm được bao nhiêu công sức mà hàng chục người Việt Nam và Angola đã bỏ ra để biến vùng đất khô cằn sỏi đá thành trang trại màu mỡ.
Các mô hình nuôi trồng sáng tạo và hiệu quả, đặc biệt việc trữ nước tưới và nuôi cá ở khu vực hạn hán và thấm nước khiến người dân địa phương thán phục.
Đặc biệt hơn, Trang trại Quang Linh hoạt động trên tinh thần chia sẻ. Cùng với tạo công ăn việc làm, dạy cách trồng trọt và trả lương tháng, nhóm cũng chia hoa lợi cho người dân.
Quang Linh cho biết việc chia hoa lợi giúp người dân bảo đảm lương thực và tăng tình đoàn kết.
Team châu Phi gồm bốn người Việt Nam là Quang Linh, Đông Paulo, Hùng Kaka và Linh Philip, và năm người Angola: Lindo, Maitiloi, Victori, Fendi và Doimingu.
Thời gian qua nhóm đã phát hàng chục tấn gạo cho người dân địa phương và xây dựng hàng trăm trường học và nhà cho người nghèo. Đặc biệt, nhóm đã thuê công nhân Việt Nam khoan hàng trăm giếng ở các vùng nông thôn khắp Angola.
Đại sứ Việt Nam tại Angola Dương Chính Chức khen ý tưởng đào giếng như một cách giúp người dân ổn định cuộc sống. "Khi có nước sinh hoạt sẽ giúp người dân định cư chứ không du mục như trước nữa. Việc làm đó thật tuyệt vời", Đại sứ nói trong chuyến thăm trang trại vào tháng 8/2023.
"Ở mảnh đất khó khăn này, nếu không có quyết tâm thì hẳn các em không thể làm được những điều lớn lao như vậy. Công việc thiện nguyện của nhóm giúp người dân nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hai nước. Các em đã khiến những người Việt ở đây tự hào", Đại sứ nhấn mạnh.
Năm 2016, Phạm Quang Linh, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An, sang Angola làm công nhân xây dựng. Một thời gian sau, anh mở được một xưởng làm nước đá ở thủ đô Luanda, thuê nhân công địa phương. Trong số công nhân của xưởng có Matiloi, quê ở làng Sanzala, huyện Bailundo, tỉnh Huambo, cách thủ đô gần 600 km.
Trong một kỳ nghỉ lễ, nhóm Quang Linh đã về thăm quê Matiloi. Chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân trong làng, Linh đã dùng tiền tiết kiệm mua gạo và các nhu yếu phẩm cho họ, thậm chí anh còn bán chiếc xe cũ của mình để giúp đỡ người nghèo.
"Khoảng cách giàu nghèo ở Angola rất lớn. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, người dân còn không có giường mà ngủ trên đống cỏ khô. Tôi chưa bao giờ thấy một nơi nào lạc hậu như vậy, nhưng họ vẫn có cuộc sống vô tư, vui vẻ", chàng trai trẻ nói.
Cũng trong khoảng thời gian này (2019), anh ra mắt kênh YouTube "Quang Linh Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi" chia sẻ cuộc sống và công việc từ thiện tại châu Phi. Kênh đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người xem.
Khi xưởng làm đá và kênh YouTube có lãi, Linh thành lập Team châu Phi để thực hiện các dự án từ thiện quy mô lớn hơn cho người dân địa phương.
Nhận thấy làng Sanzala chưa có nước sạch, nhóm đã quyên tiền thuê đào giếng cho cả làng. Thấy người dân không có điện, họ đã lắp hệ thống điện mặt trời kéo điện đến từng nhà.
"Tất thảy dân làng tụ tập chờ đợi khoảnh khắc điện được thắp sáng ở ngôi làng lần đầu có ánh sáng đèn điện sau 126 năm tối tăm. Họ vui sướng đến trào nước mắt", Linh nhớ lại.
Ở nhiều vùng nông thôn, trẻ em cũng không được đi học mà phải phụ giúp bố mẹ việc nhà. Vì vậy, team Quang Linh đã xây trường rồi đi từng nhà vận động suốt hai năm, giúp 5.000 trẻ em đến trường.
Sau khi thực hiện nhiều chương trình từ thiện tại tám ngôi làng miền núi Angola, Linh đi đến kết luận rằng, về lâu dài, việc cung cấp cho người dân "cần câu" quan trọng hơn là "con cá". Vì vậy, nhóm của anh đã dạy người dân cách canh tác theo phương pháp và kinh nghiệm của người Việt Nam.
Ở Angola khí hậu rất khắc nghiệt với sáu tháng mưa và sáu tháng hạn hán, thêm việc thiếu kiến thức nông nghiệp đã khiến người dân chỉ trồng được hai thứ cây là ngô và đậu nành trong mùa mưa để dành cho cả năm. Tuy nhiên, cái đói vẫn đeo đẳng nếu hạn hán kéo nên lương thực dự trữ không đủ.
Vào mùa khô nhàn rỗi, nhóm của Linh dạy họ cách đào mương, lấy nước từ suối và canh tác quanh năm theo cách của Việt Nam.
Năm 2022, Linh về nước sau 6 năm ở nước ngoài. Khi trở lại Angola, anh mang theo sáu bao lúa giống từ Việt Nam về trồng thử. Sau một thời gian chăm sóc, nhóm đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên ở Angola vào tháng 4/2024. "Từ nay bà con đã có gạo!" Linh không giấu nổi niềm vui trong ngày thu hoạch lúa.
Sau thành công ban đầu, Linh mua thêm đất để mở rộng diện tích cây trồng, thuê nhân công, nhập khẩu máy cắt cỏ từ Việt Nam, xây trang trại chăn nuôi và trồng trọt. Có thông tin cho rằng nhóm đã thuê một số chuyên gia nông nghiệp từ Việt Nam sang hỗ trợ đội ngũ phương pháp canh tác.
Cho đến nay, trang trại đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều dân bản địa với đủ loại: ngô, mía, rau, gia súc, gia cầm và thủy sản. Nhóm cũng giúp tiêu thụ nông sản cho người dân.
"Trước đây, chúng tôi thường ăn ngô và sắn. Kể từ khi Linh đến, chúng tôi mới biết đến nhiều loại thực phẩm và trái cây, trong đó có nhiều loại nguồn gốc ở Việt Nam. Vui hơn là giờ đây đã xuất hiện nhiều ngôi nhà rất đẹp", Matiloi nói biết ơn.
Hiện kênh YouTube của Quang Linh có hơn bốn triệu người đăng ký. Anh tuyên bố rằng nguồn thu từ kênh và những nhà hảo tâm sẽ được chi cho công tác từ thiện ở cả Angola và Việt Nam.
Để ghi nhận những việc làm của Linh và Team châu Phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã chào đón họ tại Hà Nội vào ngày 3/6/2024 khi nhóm về Việt Nam làm từ thiện.
Bà nói rằng những nỗ lực của Linh và nhóm của anh ở Angola đã thể hiện một hình ảnh Việt Nam tích cực và thân thiện ở châu Phi.
Một trong những hoạt động nổi bật ở châu Phi mà Linh trình bày trong cuộc gặp Thứ trưởng là quá trình giúp đỡ người dân Angola trồng lúa nước và thu hoạch vụ đầu tiên.
"Những nỗ lực và hoạt động thiện nguyện của Linh tại Angola đã thể hiện câu chuyện nhân văn sâu sắc, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong người dân và truyền cảm hứng cho nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Team châu Phi đã giúp đưa châu Phi xa xôi đến gần hơn với người dân Việt Nam", bà Hằng nói.
Trong thời gian tới, Linh sẽ chia sẻ thêm kiến thức canh tác cho nông dân Angola và khuyến khích họ trồng lúa. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra trang trại lớn nhất trong khu vực, sản xuất nhiều loại hàng hóa, chăn nuôi cừu, dê, phát triển mô hình canh tác bền vững trên vùng đất nhọc nhằn.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
08:15 19/07/2024