Bản lĩnh của những lão tướng tài năng tại SEA Games 31

Minh An - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Vượt qua chấn thương dai dẳng, những ngày tháng xa nhà biền biệt, những lão tướng thi đấu tại SEA Games 31 đã giành vinh quang về cho Tổ quốc, cho bản thân bằng những tấm huy chương quý giá. Thành công của họ như những lời cảm ơn, tri ân đến những hậu phương vững chắc.

Những lão tướng “trốn tuổi” giành HCV

Trong 951 vận động viên Việt Nam dự SEA Games 31, một số VĐV vinh dự có lần thứ 2 tranh tài tại kỳ Đại hội trên sân nhà, sau lần đầu tiên tổ chức năm 2003. Võ sĩ Phạm Quốc Khánh là một trong số đó.

Võ sĩ Phạm Quốc Khánh thi đấu tại SEA Games 31.
Võ sĩ Phạm Quốc Khánh thi đấu tại SEA Games 31.

Sinh ngày 2/9/1990 tại Hà Nội, võ sĩ Phạm Quốc Khánh học wushu từ năm 4 tuổi. Đến nay, anh đã có gần 30 tuổi nghề Anh là gương mặt lớn tuổi nhất của đội tuyển wushu Việt Nam ở Đại hội năm nay.

Sáng 13/5, tại nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội), võ sĩ kỳ cựu Phạm Quốc Khánh đã xuất sắc hoàn thành bài thi nam đao với số điểm cao nhất trong 9 VĐV: 9,7 điểm, qua đó giành tấm HCV đầu tiên cho đội tuyển wushu và thứ 12 cho Đoàn thể thao Việt Nam. Với cá nhân Quốc Khánh, đây là tấm HCV thứ 4 trong sự nghiệp, sau các năm 2009, 2013, 2019.

Võ sĩ Phạm Quốc Khánh đứng trên bục nhận huy chương tại SEA Games 31.
Võ sĩ Phạm Quốc Khánh đứng trên bục nhận huy chương tại SEA Games 31.

Chia sẻ sau khi giành HCV, Phạm Quốc Khánh cho biết: “Tôi rất vui khi được đứng trên quê nhà thi đấu và nhận HCV SEA Games. Để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng này ngoài tập luyện chuyên môn, Quốc Khánh đã phải ép cân 10kg để tìm lại sự thoanh thoát trong di chuyển, thực hiện các động tác”.

Bên cạnh sự bền bỉ, Quốc Khánh còn được biết đến với tình yêu cháy bỏng với nghề, khi vượt qua nhiều lần chấn thương dai dẳng. Anh bị chấn thương đứt dây chằng đầu gối đợt SEA Games năm 2011 phải phẫu thuật, rách cơ bụng năm SEA Games 2013 xong vẫn nén đau thi đấu và giành HCV. Đến năm 2019, Quốc Khánh bị đứt một nửa dây chằng gối trái. Nếu phẫu thuật sẽ chữa được dứt điểm, nhưng đổi lại, anh không thể góp mặt SEA Games năm đó. Quốc Khánh đã chọn không phẫu thuật và và tập các bài tập phục hồi để kịp thi đấu Đại hội năm đó và cả SEA Games 2021. Quyết định này giúp anh thu về quả ngọt với HCV ở cả hai kỳ đại hội.

Sau 28 năm cống hiến cho wushu, Quốc Khánh tiết lộ đây sẽ là kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp VĐV, trước khi anh chuyển sang công tác huấn luyện. "Tôi năm nay đã 32 tuổi, cái tuổi "dừ" với một VĐV wushu. Ước mơ dự SEA Games trên sân nhà đã thành hiện thực và ngọt ngào hơn với tấm HCV giành được hôm nay. Sau SEA Games này tôi sẽ giải nghệ, vì sức khoẻ không đảm bảo cho phong độ tốt nhất và cũng đến lúc nhường lại sàn diễn cho các đàn em” - võ sỹ Wushu Hà Nội chia sẻ.

Trong những nội dung thi đấu tại SEA Games 31 vừa diễn ra, lực sĩ U50 Phạm Văn Mách cũng để lại nhiều ấn tượng với tấm HCV đã giành được.

Lực sĩ Phạm Văn Mách tranh tài tại SEA Games 31.
Lực sĩ Phạm Văn Mách tranh tài tại SEA Games 31.

Ngày 13/5, tại “sân khấu” thi đấu thể hình, lực sĩ Phạm Văn Mách xuất hiện tự tin, dũng mãnh trước sự cạnh tranh quyết liệt của Azri Bin Asmat Safri (Malaysia) và Kyaw Min Than (Myanmar). Quan sát quá trình anh thi đấu, người xem không chỉ thấy được sự quyết tâm, sức mạnh của VĐV U50 mà còn cảm nhận được sự tinh tế, nghệ thuật trong từng động tác biểu diễn. Anh Nguyễn Hoàng Long (32 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội - tập thể hình hơn 10 năm) chia sẻ: “Những đối thủ của anh Mách năm nay đều rất mạnh. Tuy nhiên, anh Mách không chỉ có sự vượt trội về độ sắc nét của cơ bắp mà kỹ năng biểu diễn cũng rất tự tin, điêu luyện. Bên cạnh thế mạnh thể hình, anh Mách biểu diễn với nhạc rất có hồn, ít vận động viên thể hình nào lại tự tin chống tay, lộn nhiều vòng khi tranh HCV như vậy”.

Phạm Văn Mách giành HCV môn thể hình, hạng cân dưới 55kg.
Phạm Văn Mách giành HCV môn thể hình, hạng cân dưới 55kg.

Chia sẻ sau khi giành HCV, Phạm Văn Mách cho biết: “Tôi hạnh phúc khi đoạt được HCV. Cảm giác thật khó tả khi quốc kỳ Việt Nam được kéo lên thì mình như là được bay bổng và tinh thần dân tộc cũng đã trỗi dậy”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phạm Văn Mách cho biết, để có thể thi đấu và giành HCV ở độ tuổi U50 không phải là điều dễ dàng khi vận động viên các nước đều có sự tiến bộ rất nhanh. “Kiến càng” Phạm Văn Mách chia sẻ, trong thời gian dừng thi đấu, anh vẫn tìm hiểu về lực sĩ các nước, nghiên cứu thêm về các các tập luyện để phù hợp hơn với độ tuổi. “Tôi phải thay đổi cách ăn, tập luyện để phù hợp với độ tuổi của mình. Trước SEA Games 31, thể trạng của tôi ở mức 68kg, tức là để thi đấu ở hạng cân 55kg tôi phải xuống 13kg. Quá trình ép cân đó diễn ra trong vòng 6 tháng. Trong thời gian đó phải làm sao để lượng cơ bắp giảm dần nhưng không bị nhỏ. Những ngày cuối cùng trước khi lên thi đấu, tôi phải xử lý cân để làm sao nước ra càng nhiều càng tốt. Khi đó, lượng sắc nét của cơ bắp ngày càng tốt hơn”.

Chiến thắng trong lòng khán giả

Những thành công của các lão tướng tại SEA Games không chỉ thể hiện qua tấm huy chương họ giành được mà còn ở những cống hiến thầm lặng, sự nỗ lực, quyết tâm của họ trong quá trình tập luyện, thi đấu. Chiều 15/5, vận động viên Nguyễn Văn Lai đã bỏ xa các đối thủ để về đích đầu tiên, giành HCV cự ly chạy 5.000m SEA Games 31.

VĐV Nguyễn Văn Lai dẫn đầu trong chung kết điền kinh, nội dung 5.000m.
VĐV Nguyễn Văn Lai dẫn đầu trong chung kết điền kinh, nội dung 5.000m.

Nguyễn Văn Lai năm nay 36 tuổi và mang quân hàm thiếu tá. Trước khi trở thành vận động viên điền kinh đội tuyển quốc gia, Nguyễn Văn Lai từng là anh nuôi trong quân đội.

Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Nguyễn Văn Lai từng nhiều lần đứng lên bục cao nhất của SEA Games ở các nội dung sở trường 5.000m, 10.000m. Hiện anh đang giữ kỷ lục SEA Games cự ly 5.000m với thời gian 14 phút 04,82 giây. Chiều 15/5, Nguyễn Văn Lai băng băng bỏ xa đối thủ để về đích, giành huy chương vàng cự ly 5.000m với thời gian 16 phút 34,10 giây. Có mặt trên khán đài Mỹ Đình chiều 15/5 còn có chị Đinh Thị Hương - vợ Nguyễn Văn Lai và hai con trai nhỏ. Chứng kiến chồng về đích, chị Hương đã bật khóc.

''Lão tướng'' Nguyễn Văn Lai giành HCV điền kinh, nội dung 5.000m.
''Lão tướng'' Nguyễn Văn Lai giành HCV điền kinh, nội dung 5.000m.

Chị Đinh Thị Hương chia sẻ: “Tôi là giáo viên dạy thể dục cấp THCS, còn anh là bộ đội. Từ lúc yêu nhau đến nay con lớn 8 tuổi thì anh Lai chủ yếu xa nhà. Nếu không có SEA Games thì cuối tuần anh về nhà thăm vợ con, 2 tháng nay chuẩn bị đại hội nên anh không được gặp gia đình".

Hai vợ chồng Nguyễn Văn Lai hiện vẫn đang ở nhờ trong khu tập thể Trường bắn quân sự Miếu Môn. Một mình đi làm, chăm sóc hai con nhỏ vì chồng đi biền biệt nên chị Hương cho biết đôi khi rất nhớ chồng, buồn tủi. "Nhiều lúc bất lực quá tôi cũng bảo chồng ơi nghỉ thi đấu đi!" - chị Hương tâm sự.

SEA Games 31 vẫn đang diễn ra và những VĐV vẫn đang cống hiến hết mình vì thành công chung của Đại hội và đoàn thể thao Việt Nam. Ở các địa điểm thi đấu, những hình ảnh đẹp về SEA Games 31 đang lan toả mạnh mẽ. Trên sân điền kinh, công chúng có thể thấy hình ảnh của những khán giả tóc đã bạc trắng khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng cổ vũ cho con; những đứa trẻ còn đang được người mẹ, người vợ của VĐV bế bồng đội mưa dõi theo từng bước chạy của bố - mẹ dưới sân; trên sân cỏ, khán giả SVĐ Việt Trì đội mưa cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đất. Với những nguồn động lực đó, VĐV 11 đoàn thể thao Đông Nam Á tham dự SEA Games 31 đã và đang cống hiến hết mình. Hình ảnh những giọt mồ hôi của lòng quyết tâm, nước mắt của sự hạnh phúc… có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần SEA Games 31 – “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.