Giá tiêu hôm nay 29/7: Biến động ở Tây Nguyên, tin vui cho hồ tiêu xuất khẩu Việt

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 29/7 trong khoảng 72.000 - 75.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu ổn định ở các tỉnh Đông Nam Bộ, giảm nhẹ 500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên.

Giá tiêu hôm nay 29/7: Biến động ở Tây Nguyên, tin vui cho hồ tiêu xuất khẩu Việt
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu ổn định ở các tỉnh Đông Nam Bộ, giảm nhẹ 500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Thị trường tiêu trong nước vẫn trầm lắng do đại dịch Covid-19.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 66,65 rupee/tạ, ở mức 41.633,35 rupee/tạ. Giá hồ tiêu Ấn Độ lên xuống thất thường từ đầu tuần đến nay, dao động trong biên độ hẹp.

Trước thông tin một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phản ánh về tỷ lệ tờ khai luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ) tăng cao thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền và trực tiếp có giải pháp tháo gỡ.

Thông tin trên báo Hải quan, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, tỷ lệ tờ khai luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ) đối với hồ tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen, thậm chí có doanh nghiệp trên 95% lô hàng xuất khẩu phân luồng Vàng, đã gây ra rất nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Qua trao đổi với VPA, hồ tiêu được sử dụng như dược liệu, nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng là dược liệu, nên các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chủ yếu chỉ đăng ký xuất nhập khẩu theo dạng hàng hóa nông sản, không nhằm mục đích dược liệu. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã đưa mặt hàng hồ tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng Vàng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đề nghị nghiên cứu, rà soát Danh mục tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Danh mục tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT để thống nhất ban hành Danh mục dược liệu. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục Hải quan chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Y tế rà soát lại các mặt hàng để đảm bảo thống nhất và đề nghị không quy định kiểm tra điều kiện về dược đối với hàng hóa xuất khẩu nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Lý do là việc sử dụng vào mục đích gì là do nhà nhập khẩu ở nước ngoài chứ không phải do nhà xuất khẩu Việt Nam.