Hiểu hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua từng hiện vật quý

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhteodothi-Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức trưng bày trên website của Bảo tàng chuyên đề “Vị tướng huyền thoại”. 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh đặc sắc đã góp phần kể cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ quê hương bên dòng Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) đến những hình ảnh gần gũi của vị tướng trong lòng Nhân dân.

Bộ bàn ghế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng để làm việc và tiếp đón đồng bào, chiến sĩ, các vị khách quốc tế tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội

Truyền thống gia đình hun đúc ý chí cách mạng

Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Do điều kiện dịch bệnh vã giãn cách xã hội không thể đón khách tham quan, bảo tàng cập nhật về triển lãm, tư liệu hình ảnh trên website để phục vụ đông đảo công chúng. Nhưng với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chia thành 4 nội dung: Bên dòng Kiến Giang, Đường đến Cách mạng, Đại tướng huyền thoại, Vị tướng của Nhân dân; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã bố trí, tổ chức một cách khoa học nhất để người xem có thể hiểu thêm nhiều cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm giới thiệu từ truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc tâm hồn, tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến “Đường đến Cách mạng” giới thiệu nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh quá trình tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925-1939 của người thanh niên Võ Nguyên Giáp; quá trình bắt đầu sự nghiệp quân sự từ năm 1940 đến khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 và những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ quân phục, mũ kê pi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng khi làm việc tại Bộ Quốc phòng, theo dõi và chỉ đạo các đơn vị tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Xuân 1975.

Phần trưng bàyĐại tướng huyền thoạitrưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh vai trò to lớn, những cống hiến đặc biệt của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần cuối: Vị tướng của Nhân dân trưng bày các hình ảnh, tài liệu, hiện vật khắc họa cuộc sống đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm của Đại tướng với Nhân dân, đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế.

Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem lại những hình ảnh, hiện vật về cha mình, nói rằng Đại tướng thương yêu từng chiến sĩ. Ông không bao giờ quên những người bạn chiến đấu, các chỉ huy, những người đồng chí. “Những bức ảnh, hiện vật trong triển lãm gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm. Từ khi tôi còn nhỏ, ông nói với tôi: Có những người có thể con chỉ gặp một lần trong đời, bây giờ có một bức ảnh sau này con sẽ thấy rất quý. Ông quý trọng mỗi con người, trân trọng từng khoảnh khắc với Bác Hồ, với đồng bào đồng chí”-  ông Võ Hồng Nam bày tỏ.

Vị tướng gần gũi với Nhân dân

 Sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trưng bày tại triển lãm

Qua triển lãm “Vị tướng huyền thoại” không hiếm hiện vật quý được lưu trữ làm nổi bật với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là khẩu Súng ngắn được sử dụng để chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh thắng trận đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần ngày 24- 25/12/1944; Sắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc phong cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; chiếc máy điện thoại mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp dùng để liên lạc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội bàn bạc công việc của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; Huân chương Sao vàng- phần thưởng cao quý nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hiện vật mộc mạc khắc hoạ cuộc sống đời thường của Đại tướng có sức thu hút đặc biệt: Tấm áo dân tộc Nùng, đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng khi hoạt động trong thời gian gây dựng cơ sở cách mạng ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng năm 1941; Thư  Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen  ngợi anh chị em dân công vì có nhiều thành tích trong phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ban tổ chức dành không gian đặc biệt để trưng bày bộ bàn ghế mà Đại tướng sử dụng để làm việc và tiếp đón đồng bào, chiến sĩ, các vị khách quốc tế tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng nhắc lại: “Sinh thời, Cụ thường nói với chúng tôi: “đồng bào, chiến sĩ dành nhiều tình cảm cho mình như vậy, phải cố gắng dành thời gian nhiều nhất để có thể đi thăm, tiếp đón đồng bào để đáp lại tình cảm quý báu ấy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, thông tin về triển lãm sẽ được cập nhật tại địa chỉ: http://baotanglichsuquansu.vn để phục vụ đông đảo công chúng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần