Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 28/3.
Đại diện Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị |
Theo thống kê, hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi, được phân bố tại 45/63 tỉnh, TP. Trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Đặc biệt, có 3 hồ chứa quan trọng liên quan tới an ninh Quốc gia (theo Quyết định số 166/QĐ-TTg) gồm: Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Dầu Tiếng (Tây Ninh). Hiện, 1.800 hồ chứa (chiếm khoảng 27% tổng số hồ chứa thủy lợi) do các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác. Còn lại là do UBND các cấp quản lý.
Đối với chất lượng công trình, hiện có 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Từ năm 2008 đến nay, cả nước đã xảy ra 50 sự cố gây mất an toàn cố đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó, riêng năm 2017, có tới 23 sự cố. Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi được các bộ ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, các giải pháp công trình rất được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, đối với 1.200 hồ chứa hiện đang hư hỏng, có 40 hồ chứa đã được đưa vào danh mục đầu tư trong dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập của Ngân hàng Thế giới trị giá 433 triệu USD. Tuy nhiên, 750 hồ chứa còn lại chưa được bố trí nguồn vốn. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề xuất Bộ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách 575 tỷ đồng để tập trung tu sửa, nâng cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Đồng thời, Bộ TN&MT xây dựng bổ sung nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, phục vụ vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn đậpvà vùng hạ du.