Năm 2014, trong bối cảnh tình hình thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 của Quốc hội, Chính phủ đề ra và đã đạt được những kết quả tích cực thể hiện dấu ấn quan trọng trên toàn diện các mặt công tác. Trước những kết quả đó, các cơ quan báo chí ngành Tài chính và các đơn vị trong ngành đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2014. Cụ thể như sau: 1. Hoàn thành vượt mức dự toán thu- chi NSNN năm 2014, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước Nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Kết quả, công tác tài chính - NSNN năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực, thu ngân sách vượt dự toán; việc điều hành chi NSNN đúng tinh thần chặt chẽ, tiết kiệm. Trong năm 2014, NSNN tiếp tục được tăng cường, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước (như: chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xuất cấp trên 102,9 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân của địa phương ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn). Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kiến nghị xử lý các vướng mắc về cơ chế chính sách. 2. Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước Năm 2014, Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế và công tác quản lý ngân quỹ được an toàn, hiệu quả, Cụ thể: Hệ thống Thuế và Hải quan: đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính (thuế nội địa 421 thủ tục; hải quan 224 thủ tục); đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế (số giờ nộp thuế, không bao gồm làm thủ tục bảo hiểm xã hội, đã giảm 290 giờ từ 537 giờ xuống còn 247 giờ; ngoài ra, Luật sửa đổi một số điều của 5 Luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ) và thời gian làm thủ tục hải quan (việc triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia cắt giảm được khoảng 10%-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng XNK; triển khai hệ thống thông quan tự động đã rút ngắn thời gian thông quan đối với luồng xanh từ 3 phút xuống còn 3 giây và giảm được hơn 7 giờ từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan giải phóng hàng nhập khẩu...). Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương. Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN): Triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử: Năm 2014 đánh dấu việc triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các hệ thống NHTM: Vietinbank, Agribank, Vietcombank, BIDV,... thành công này giúp cho hệ thống KBNN chủ động được nguồn vốn để điều hòa vốn linh hoạt giúp cho việc quản lý ngân quỹ được tốt hơn. Thanh toán song phương điện tử còn đảm bảo việc thanh toán được nhanh chóng, chính xác, đồng thời từng bước hình thành tài khoản thanh toán tập trung của hệ thống KBNN và hỗ trợ công tác quản lý ngân quỹ được an toàn, hiệu quả. 3. Thành công trong xây dựng hệ thống pháp luật về tài chính Đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng Luật, Nghị quyết của Quốc hội (trong đó: 4 Luật đã được Quốc hội thông qua là: Luật Hải quan; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế. Luật NSNN đã trình Quốc hội cho ý kiến và đã trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán). Tính đến ngày 22/12/2014, đã trình Chính phủ 15 Nghị định (đã ban hành 9 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ 12 Quyết định (đã ban hành 5 Quyết định) và trình các cấp có thẩm quyền 16 Đề án khác; ngoài ra, đã ban hành 205 văn bản là Thông tư, Thông tư liên tịch. 4. Phát hành thành công 1 tỷ USD Trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế Tháng 11/2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD Trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 10 năm, với mục đích chủ yếu là để tái cơ cấu các khoản nợ gốc Trái phiếu Chính phủ đã phát hành trên thị trường vốn quốc tế trước đây. Đợt phát hành đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư thể hiện ở khối lượng đặt mua Trái phiếu lớn hơn gấp 10 lần khối lượng dự kiến phát hành, lãi suất Trái phiếu đạt 4,8% thấp hơn 0,325% so với mức lãi suất định hướng ban đầu là 5,125%, và thấp hơn rất nhiều so với lãi suất Trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây. Tỷ lệ hoán đổi Trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2005 và 2010 đạt 54,4% và 25%, cao hơn nhiều so với các đợt phát hành đi kèm hoán đổi của một số quốc gia như Phillipines, Mexico, Brazil. Cùng với việc Fitch nâng Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1), thành công của đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế lần này đã giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn mới của Trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn từ thị trường quốc tế trong tương lai với chi phí huy động hợp lý hơn, qua đó góp phần nâng cao tính chủ động trong công tác quản lý nợ công của Chính phủ. 5. Công tác quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát đạt kết quả tích cực Năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giá, cơ chế quản lý giá điều hành giá của Nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thực hiện tốt quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiếu yếu (như: điện, than, xăng dầu, sữa, dịch vụ công) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, đã đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2013 tăng khoảng 2%), ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trước diễn biến tăng giá của thị trường sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận áp dụng biện pháp giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 1/6/2014. Đến nay, giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá bán trước khi Nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá, với tỷ lệ giảm khoảng 0,3% - 34%. 6. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia được thành lập góp phần chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao Ngày 24/6/2014, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao từ các Bộ, ngành. Với chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Văn phòng Thường trực có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất với Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả; đồng thời là đầu mối kết nối hoạt động các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương góp phần đảm bảo thông tin, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ tính từ tháng 6/2014 đến hết tháng 11/2014, thực hiện các biện pháp, giải pháp đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, các đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý 189.044 vụ việc vi phạm; số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 13.386,3 tỷ đồng; khởi tố 1.378 vụ/1.556 đối tượng. 7. Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng ICT Index 2014 Ngày 29/8, tại thành phố Hạ Long, Hội Tin học Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT Việt Nam 2014 (Vietnam ICT Index 2014). Theo kết quả đó, Bộ Tài chính đã vượt lên chiếm vị trí Quán quân với chỉ số 0.934. Đáng chú ý là, trong 4 lĩnh vực được đưa vào đánh giá, Bộ Tài chính đã đứng thứ Nhất ở 3/4 chỉ tiêu. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật của Bộ Tài chính đã đứng thứ Nhất trong khối các cơ quan Bộ, ngành. Tương tự, về chỉ tiêu hạ tầng nhân lực và ứng dụng, Bộ Tài chính cũng giành ngôi vị Quán quân với số điểm lần lượt là 0.9556 và 0.8330. 8. "Tái cấu trúc thị trường chứng khoán" góp phần tái cấu trúc nền kinh tế Công tác tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái cấu trúc nền kinh tế. Đối với lĩnh vực thị trường chứng khoán, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng là một trong bốn trụ cột chính. Thực hiện quyết liệt kế hoạch đặt ra, từ 105 công ty chứng khoán trước đây, hiện đã thu hẹp còn 81 công ty (giảm 24 công ty). Trong năm 2014, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng tích cực; tính đến ngày 22/12/2014, mức vốn hoá thị trường đạt 30,9% GDP (tăng 16,74% so với năm 2013). Nhờ đó đã có tác động tích cực đến việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN và tạo nền tảng để phát triển thị trường trong những năm tiếp theo. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phát triển thị trường, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh; nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán; xử lý kịp thời các vi phạm nhằm phát triển thị trường lành mạnh. 9. Hoạt động bảo hiểm góp phần ổn định môi trường đầu tư, tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ biển đảo Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương và có trách nhiệm bồi thường, tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh. Sự kiện này đã góp phần ổn định môi trường đầu tư, tạo niềm tin để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai chính sách bảo hiểm khai thác hải sản. Đây là chính sách trọng tâm của Chính phủ, bảo hiểm mọi rủi ro, thuận lợi, nhanh chóng, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ biển đảo. 10. Khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 Sau gần 3 năm triển khai dự án, ngày 12/7/2014, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Với sự chung tay góp sức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong hai Nghĩa trang Liệt sỹ lớn nhất cả nước. Đây chính là hoạt động chính trị có ý nghĩa vô cùng đặc biệt về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.