1. Triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng
Năm 2012, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được triển khai sâu rộng với tinh thần nghiêm túc, cầu thị và xây dựng từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng tới từng đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
2. Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Tại Kỳ họp thứ 4 (khóa XIII), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, tại kỳ họp giữa năm 2013 (tháng 5, 6/2013), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh chủ chốt. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để bãi nhiệm.
Cầu vượt nhẹ nút Tây Sơn - Chùa Bộc. Ảnh: Thanh Hải
3. Bộ Chính trị ra Nghị quyết 11 về phát triển Thủ đô Hà Nội; Quốc hội thông qua Luật Thủ đô
Ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô với 4 chương, 27 điều quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật quy định, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013.
4. Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
40 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng 12 ngày đêm lịch sử của quân và dân Thủ đô Hà Nội (18 - 30/12/1972) đã trở thành huyền thoại và là bản hùng ca bất tử của dân tộc. Để ôn lại lịch sử hào hùng và tri ân những người đã tham gia chiến đấu cống hiến, hy sinh trong trận chiến lịch sử này, nhiều tỉnh, thành, ban, ngành đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: Chương trình sử thi nghệ thuật đặc biệt "40 năm Khúc tráng ca Lưu Xá"; Giao lưu "Âm vang Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; Cầu truyền hình "Bản hùng ca Hà Nội"; Hội thảo khoa học "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam"...
5. Năm khó khăn nhất của doanh nghiệp
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2012, có 51.800 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Đây là số doanh nghiệp giải thể, phá sản và dừng hoạt động lớn nhất từ trước đến nay.
Kinh tế khó khăn, GDP cả năm chỉ đạt 5,03%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương không đạt như kế hoạch đề ra. Chỉ số được coi là thành công nhất trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012 là kéo được lạm phát giảm mạnh, từ 18,58% năm 2011 xuống còn 6,81%.
6. Thủy điện Sơn La hoàn thành trước 3 năm
Ngày 23/12, sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La - Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã khánh thành, sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra, tiết kiệm và làm lợi cho đất nước hơn 40.000 tỷ đồng. Với công suất 2.400 MW, Thủy điện Sơn La chiếm gần 10% tổng công suất hệ thống điện hiện nay.
7. Thêm 2 di sản văn hóa Việt Nam được tôn vinh
UNESCO chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; công nhận "Bộ Mộc bản kinh Phật của chùa Vĩnh Nghiêm" (tỉnh Bắc Giang) gồm hơn 3.000 tấm ván rời là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việc UNESCO tôn vinh những di sản này một lần nữa khẳng định những giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong việc bảo tồn vốn văn hóa cổ, văn hóa vật thể và phi vật thể.
8. Tăng viện phí
Từ 15/4/2012, đợt điều chỉnh viện phí đầu tiên được áp dụng cho 447 dịch vụ y tế. Theo Bộ Y tế, số dịch vụ y tế tăng chỉ chiếm 12% tổng số gần 4.000 dịch vụ y tế hiện nay. 70% các dịch vụ tăng khoảng 5 lần nhưng cũng có dịch vụ tăng 20 lần. Tuy nhiên, đây mới là đợt điều chỉnh tăng của 3/7 yếu tố cấu thành viện phí và sẽ còn tăng nữa. Điều người dân lo ngại là tăng viện phí nhưng không đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ.
9. Đường vành đai 3 trên cao và 5 cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng
Hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2012 và triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế ùn tắc, tai nạn giao thông, năm 2012, Hà Nội triển khai và hoàn thành 5 cầu vượt nhẹ, gồm: Tây Sơn - Chùa Bộc; Láng Hạ - Thái Hà; Láng Hạ - Lê Văn Lương; Nguyễn Chí Thanh - đường Láng và Cầu vượt nối đường Nam Hồng với Mai Dịch - Nội Bài. Cùng với đó, sau gần 2 năm thi công, ngày 21/10/2012, tuyến đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ Mai Dịch đến Bắc Linh Đàm đã được đưa vào sử dụng.
Những cây cầu, tuyến đường này không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo diện mạo mới cho cảnh quan đô thị.
10. Hà Nội giành quyền đăng cai ASIAD 18
Ngày 8/11/2012, đại hội đồng Olympic châu Á (OCA) quyết định chọn Hà Nội làm chủ nhà của ASIAD 18 diễn ra vào năm 2019. Đây là cơ hội quan trọng để phát triển thể thao và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hà Nội và Việt Nam ra thế giới.