1. 10 năm sau điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đã tạo thế và lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 15 Quốc hội (khóa XII), sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào, phấn khởi trước những thành quả đạt được. Thành phố đã đổi thay toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực theo hướng bền vững. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,61%/năm. Quy mô GRDP năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008. Không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị được phát triển, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Diện mạo nông thôn của Hà Nội có sự thay đổi rõ rệt; khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa truyền thống có nhiều chuyển biến tích cực. Với những thành tích xuất sắc sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn - góp phần làm vẻ vang thêm truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô.
2. Chuyển biến mạnh mẽ từ quyết tâm thực hiện "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018".
Hà Nội đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo nhiều dấu ấn mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền; chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố được nâng cao. Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố" có chuyển biến tích cực. Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm. Hoàn thiện nghiên cứu Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Đề án thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo chủ chốt tại các quận, huyện, thị xã. Đẩy mạnh CCHC; triển khai có hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; thực hiện đổi mới công tác đánh giá cán bộ hàng tháng với các tiêu chí định lượng và thực chất gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo bước chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng chính quyền Thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
3. Hoàn thành toàn diện 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Năm 2018 Hà Nội hoàn thành đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch (gồm các chỉ tiêu về: Kim ngạch xuất khẩu; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; Giảm tỷ lệ hộ nghèo; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội). Hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh sớm 2 năm và tiếp tục trồng thêm 600 nghìn cây trong giai đoạn 2019- 2020, góp phần tạo cảnh quan môi trường Thành phố ngày càng xanh, sạch đẹp. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,37% (mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây). Các cân đối lớn được đảm bảo, nguồn lực cho phát triển được củng cố. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Quốc phòng - An ninh được giữ vững.
4. Hà Nội đã có 324/386 (83,9%) xã đạt chuẩn nông thôn mới – vượt kế hoạch trước 2 năm.
Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân đã đạt kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp không ngừng được đổi mới theo hướng hiện đại. Đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao. Năm 2018, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 30 xã (vượt kế hoạch đề ra là 26 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324 xã, tỷ lệ đạt 83,9% - về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết HĐND Thành phố là đến 2020 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
5. Dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, cao nhất sau hơn 30 năm đổi mới. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố được cải thiện rõ nét, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố tháng 4/2018 đứng vị trí 13/63 (tăng 01 bậc); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 01 bậc). Đẩy mạnh thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng... Tổng vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, dẫn đầu cả nước (cao nhất từ trước đến nay).
6. Hà Nội tiếp tục là điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thúc đẩy quan hệ đối ngoại, quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch. Triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình cáp quốc tế CNN. Phối hợp với Đại sứ quán nhiều nước tổ chức Ngày hội, Ngày văn hóa các nước tại Hà Nội. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Thành phố cũng chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc tổ chức các chương trình quảng bá nét văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền ngay tại Thủ đô. Nhờ đó, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 26,92 triệu lượt khách, tăng 13%; trong đó, khách quốc tế đạt 6,005 triệu lượt, tăng 21,3%. Ngành Du lịch Thủ đô về đích trước 02 năm chỉ tiêu đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế theo mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra đến năm 2020. Đặc biệt, Hà Nội đã được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đề cử là 01/17 thành phố bình chọn giải thưởng "Điểm đến thành phố hàng đầu Thế giới năm 2018".
7. Năm 2018 - Năm thành công và đột phá của Thể thao Hà Nội.
Thể thao thành tích cao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Tại Asiad 18 đoàn Hà Nội với thành tích 01 HCV, 06 HCB và 09 HCĐ, chiếm 42,1% số huy chương toàn đoàn. Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội giành chức Vô địch quốc gia môn bóng đá Nam năm 2018 trước 5 vòng đấu và đóng góp 7/23 cầu thủ cho đội tuyển Quốc gia vô địch AFF Cup 2018. Hà Nội tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - 2018 và đạt thành tích ấn tượng, dẫn đầu cả nước với 176 Huy chương vàng, 149 Huy chương bạc, 139 Huy chương đồng.
8. Giáo dục - Đào tạo tiếp tục dẫn đầu về chất lượng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế với 132 giải quốc gia, 197 giải và huy chương quốc tế (trong đó giải cá nhân gồm: 41 Huy chương Vàng, 55 Huy chương Bạc, 57 Huy chương Đồng, 17 giải Khuyến khích; giải đồng đội gồm 27 cúp và huy chương). Triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (cấp chứng chỉ A Level của Anh quốc); chương trình song bằng cấp trung học cơ sở (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 07 trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố. Lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ thi quốc tế: Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC 2018), đánh dấu bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế của giáo dục Hà Nội. Kỳ thi HOMC 2018 có sự tham gia của 09 nước đến từ Châu Á, Châu Âu và 23 đoàn của các tỉnh, thành trên cả nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức và chất lượng chuyên môn.
9. Về đích sớm 2 năm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đến ngày 15/10/2018, Thành phố hoàn thành chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 4.166 hộ nghèo, đạt 103% kế hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ 423,5 tỷ đồng. Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, bền vững, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16% (theo chuẩn nghèo đa chiều), về đích trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Hà Nội đã có 4 quận không còn hộ nghèo: Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân. Thành phố quyết tâm phấn đấu đến năm 2019 chuyển đổi phương thức, nội dung chương trình hỗ trợ giúp thoát nghèo đối với tất cả các đối tượng còn lại.
10. Hà Nội - Việt Nam trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 Thế giới và đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) vào năm 2021.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội - Việt Nam đã chính thức đăng cai tổ chức hai sự kiện thể thao quốc tế lớn của khu vực và Thế giới: Giải đua xe Công thức 1 Thế giới - giải đua xe danh giá, đẳng cấp quốc tế và Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) vào năm 2021 - Sự kiện thể thao tổ chức hai năm một lần với sự tham gia của các vận động viên xuất sắc nhất đến từ 11 nước trong khu vực Đông Nam Á.Việc đăng cai tổ chức hai sự kiện thể thao quốc tế lớn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước; khẳng định năng lực, trình độ và tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội - Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế trong tương lai.