Theo đó, Đề án phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm hàng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm. Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.
Bảo đảm đến năm 2020, ít nhất 70% và đến năm 2025, 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm. Hàng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động...
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với điều kiện thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước là không ngừng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, khoa học; sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn mới, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng; nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng...
Được biết, mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập và tự học để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Tổ chức hệ thống quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọn nhẹ, khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu HĐND các cấp.