Thiệt hại sẽ còn gia tăng
Mưa lớn kéo dài suốt 2 tuần qua đã khiến các tỉnh miền Trung hứng chịu trận ngập lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến sáng 19/10, vẫn còn 121.694 hộ dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập. Trong đó, Hà Tĩnh 2.704 hộ, Quảng Bình 65.231 hộ, Quảng Trị 53.759 hộ.
Sáng nay (19/10), chính quyền các địa phương thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế duy trì việc sơ tán 37.490 hộ với 121.280 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Cụ thể: Hà Tĩnh: 7.183 hộ/20.761 người; Quảng Bình: 7.148 hộ/28.592 người; Quảng Trị: 11.084 hộ/34.737 người; Thừa Thiên Huế: 12.075 hộ/37.190 người.
Nghiêm trọng hơn cả, mưa lũ đã khiến ít nhất 90 người bị chết. Trong đó, Quảng Trị có đến 41 người; tiếp đến là Thừa Thiên Huế 27 người, Quảng Nam 11 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Bình 2 người, Kon Tum 2 người, các tỉnh: Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng - mỗi địa phương 1 người. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 34 người mất tích (Nghệ An 1 người, Quảng Trị 16 người, Thừa Thiên Huế 15 người, Đà Nẵng 1 người, Gia Lai 1 người).
Sáng 19/10, Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 21/10, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với với lượng mưa từ 300 - 500mm, có nơi trên 600mm; ở Nghệ An 100 - 200mm, riêng phía Nam có nơi trên 250mm; ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm; ở Quảng Nam - Quảng Ngãi từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm. Thiệt hai do mưa lũ dự kiến còn có thể lớn hơn trong những ngày tới.
Tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân vùng lũ
Trước diễn biến thiên tai nghiêm trọng tại miền Trung, hiện, các bộ ngành, địa phương đang tiếp tục nghiêm túc triển khai Điện của Thường trực Ban Bí thư, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, tập trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn, tổ chức sơ tán và hỗ trợ người dân vùng ngập, vận hành các công trình hồ đập, hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông.
Bước đầu đã có tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất cấp, phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mỳ tôm từ kho dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng, tránh mưa lũ. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ Quốc gia (đợt 1 từ ngày 6 - 13/10). Cụ thể gồm: 6.000 tấn gạo; 5,5 tấn lương khô; 20.000 thùng mỳ tôm và các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các lực lượng tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm 15 công nhân còn mất tích. Tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy thi thể của 14/22 cán bộ, chiến sỹ tại vị trí sạt lở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), hiện đang tiếp tục tìm kiếm 10 người còn lại.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhận định, diễn biến thiên tai còn rất phức tạp. Do đó, cùng với tập trung hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ. Hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Trong đó lưu ý dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương. Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ.