Theo thống kê của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, tính đến chiều 3/9, mưa lũ đã khiến ít nhất 13 người chết (Sơn La 1 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người, Hòa Bình 1 người và Thanh Hóa 9 người). Hiện, vẫn còn 3 người dân tại Thanh Hóa đang mất tích do bị nước lũ cuốn trôi.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đến chiều qua, ít nhất 364 nhà dân đã bị sập đổ gần như hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại Thanh Hóa 267 nhà, tiếp đến là Sơn La 44 nhà, Nghệ An 27 nhà, Điện Biên 14 nhà… Khoảng 754 hộ dân khác đang phải di dời khẩn cấp đến nơi trú tránh an toàn, đến nay, nhiều hộ vẫn chưa thể trở về nhà ổn định lại cuộc sống.
Bên cạnh thiệt hại nghiêm trọng về người và nhà ở, sản xuất nông nghiệp của hàng vạn bà con nông dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Đến nay, mưa lũ tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã khiến trên 6.523ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Gần 57.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, và 963ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Mưa lũ những ngày qua cũng khiến nhiều tuyến đường qua địa bàn các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa bị ngập úng gây ách tắc nghiêm trọng. Đến nay, vẫn còn một số điểm thuộc các tuyến huyện lộ, đường liên thôn, xã bị hư hỏng chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trong khi đó, cầu Tân Hà trên tỉnh lộ 766 qua huyện Đức Linh (Bình Thuận) bất ngờ bị gãy đổ vào ngày 3/9 khiến giao thôngg qua địa phương này gặp rất nhiều khó khăn…
Mưa lớn những ngày qua khiến mực nước nhiều hồ chứa thủy điện thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lên cao. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có công điện lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình và Công ty Thủy điện Sơn La, mỗi đơn vị mở 1 cửa xả đáy vào chiều 3/9 nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do xả lũ hồ chứa, chiều 3/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã phát đi Công điện số 08 đề nghị các quận, huyện, thị xã ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, cùng các sở, ban ngành liên quan thông báo kịp thời việc xả lũ hai hồ chứa Hòa Bình, Sơn La để các cấp chính quyền và Nhân dân sống ven sông biết, chủ động phòng tránh. Khẩn trương rà soát các hoạt động kinh tế ven sông, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các công trình.
Chủ động thu hoạch sớm hoa màu ở những vùng trũng thấp, có nguy cơ cao bị ngập úng. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các bên đò ngang, đò dọc, cần thiết có thể tạm ngừng hoạt động để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu…