Thứ nhất, là phải kiện toàn ngân hàng câu hỏi và cách soạn đề thi. “Bộ GD&ĐT cần phải xem mục đích của kỳ thi là gì để thiết kế đề thi tiêu chuẩn. Để làm được điều đó, trước hết Bộ phải bám sát chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình phổ thông để soạn đề thi.
Đề thi phải thiết kế làm sao để thí sinh đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới được tốt nghiệp (tức là thí sinh phải đạt tối thiểu 5 điểm/1 bài thi; dưới 5 đều là liệt)” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuẩn đầu ra phải căn cứ vào mặt bằng chung của học sinh cả nước. Ngoài ra, đề thi sẽ có những câu hỏi khác ở mức độ khó hơn, cao hơn để các trường ĐH có thể sử dụng kết quả xét tuyển sinh.
“Nhưng theo tôi, điểm thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ nên sử dụng để xét tuyển đối với các trường tốp dưới và tốp giữa. Các trường ĐH tốp trên nên tổ chức tuyển sinh riêng theo điều 34 Luật Giáo dục ĐH, tùy theo điều kiện của mình. Khi thực sự kiện toàn đề thi tiêu chuẩn hóa thì một năm có thể tổ chức thi 2 lần, 3 lần như nhiều nước trên thế giới” - ông Khuyến nói.
Thứ hai, kỳ thi THPT Quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức. Trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch UBND tỉnh, TP) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. “Tôi tin với việc gắn trách nhiệm như vậy, các địa phương sẽ huy động tất cả nguồn lực của mình để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tốt, hiệu quả” - ông Khuyến bày tỏ.
Còn việc làm thế nào để có một đề thi tiêu chuẩn hóa, theo ông Khuyến, một đề thi chuẩn hóa thì có 50% số câu hỏi cơ bản bám sát chuẩn đầu ra môn học – yêu cầu thí sinh phải đảm bảo được yêu cầu tối thiểu, còn 50% số câu còn lại có yêu cầu cao hơn để đề có tính phân hóa cao.