Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2 người chết và mất tích, hàng chục nhà dân bị sập đổ do mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, những ngày qua tại nhiều tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Ghi nhận đến sáng nay (8/11), đã có thương vong về người cùng nhiều thiệt hại về tài sản.

Số liệu quan trắc cho thấy, từ 19 giờ ngày 6/11 đến 19 giờ ngày 7/11), tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ rải rác có mưa vừa, mưa to; lượng mưa phổ biến 40 - 60mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Pờ Ê (Kon Tum) 97mm, Tà Long (Quảng Trị) 94mm, Thượng Sơn (Bình Định) 93mm...
Từ 19 giờ ngày 7/11 đến 6 giờ sáng nay (8/11), các khu vực trên tiếp tục có mưa nhỏ, lượng mưa phổ dưới 10mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Núi Bà (Tây Ninh) 65mm, Nhà Bè (Hồ Chí Minh) 40mm, Phú Quốc (Kiên Giang) 30mm...
Hàng chục nhà dân ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị cuốn xuống sông. Ảnh: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, cho biết mưa lớn đã khiến ít nhất 1 người chết tại Quảng Ngãi (ông Nguyễn Tuân, sinh năm 1960, quê xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn bị lũ cuốn trong lúc cứu người); 1 người mất tích (ông Nguyễn Duy Thủy, thuyền trưởng tàu vận tải Thành Hưng 8 bị chìm).
Mưa lũ cũng khiến 22 nhà dân bị sập, cuốn trôi (Quảng Nam: 20 nhà do sạt lở bờ sông Xoan thuộc xã Trà Leng, khu vực đã bị sạt lở do bão số 10; Bình Định: 2 ngôi nhà do sạt lở đất). 1 điểm trường bị hư hại tại Quảng Nam. 3.820m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 3.200m bờ sông bị sạt lở tại Bình Định…
Hệ thống giao thông cũng bị ảnh hưởng lớn. Hiện, một số điểm trên đường Hồ Chí Minh bị xói trôi, sạt lở taluy (Km1353+800-Km1354, Km1368+520, Km1415+265). Hiện vẫn còn 5.630m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc tại Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, diễn biến thiên tai những ngày tới còn rất phức tạp. Đặc biệt là áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 495/VPTT ngày 7/11/2020 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ. Thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả mưa, bão; khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, đặc biệt là ở những nơi vẫn còn bị ảnh hưởng, chia cắt do sạt lở đất, lũ quét như ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.