KTĐT - Đây là năm thứ hai thành phố Hà Nội tạm ứng số vốn trên 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vay không tính lãi để dự trữ một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường Tết.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội 250 tỷ đồng hỗ trợ bình ổn hàng Tết của UBND thành phố là con số quá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Do đó, đặt gánh nặng chi phối được thị trường là điều không phải.
Đây là năm thứ hai thành phố Hà Nội tạm ứng số vốn trên 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vay không tính lãi để dự trữ một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường Tết.
So với cùng kỳ năm ngoái, Tết Canh Dần con số này đã tăng thêm 90 tỷ, lên 250 tỷ đồng (Tết Kỷ Sửu là 160 tỷ đồng).
Trao đổi với báo giới, bà Như Mai cho biết, số tiền này hiện đã được giải ngân cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thu mua, dự trữ hàng hóa. Trong việc tạm ứng vốn này, doanh nghiệp đều phải cam kết giảm giá từ 3-5% các mặt hàng thiết yếu so với giá trên thị trường tại cùng thời điểm.
Một số nhà bán lẻ được ứng vốn của thành phố băn khoăn, cam kết giảm giá từ 3-5% một số mặt hàng thiết yếu so với thị trường bên ngoài sẽ khó có hiệu lực trong thời gian dài - Ảnh: N.N |
- Xin bà cho biết, 12 doanh nghiệp được chọn để tạm ứng vốn, thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đợt này được chọn trên các tiêu chí nào?
- Doanh nghiệp phải có một nguồn hàng đáp ứng được một trong 9 mặt hàng thiết yếu mà thành phố đã quy định. Bao gồm thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn, gạo, rau củ quả.
Đây là những đơn vị chăn nuôi có lợn, gà thành phẩm xuất chuồng dịp Tết; những doanh nghiệp chuyên sản xuất và giết mổ, chế biến - là đầu mối cung cấp, phân phối hàng cho bán lẻ; còn với đơn vị bán lẻ thì quan trọng nhất là doanh nghiệp có hệ thống phân phối tốt và rộng khắp.
Là những doanh nghiệp nội địa (không có vốn đầu tư nước ngoài), các đơn vị này phải có báo cáo tài chính trong sạch, có khả năng thu hồi vốn, có lượng hàng lớn để chi phối, có kinh nghiệm kinh doanh…
- Trong danh sách 12 doanh nghiệp được vay vốn không lãi suất này có 4 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp bán lẻ, một số chế biến và kinh doanh. Vậy giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh, phân phối, theo bà lĩnh vực nào nếu được hỗ trợ về vốn sẽ có tác động lớn hơn cả về giá cả hàng hóa Tết?
- Cái nào cũng có tác dụng của nó vì trong việc tạm ứng vốn này doanh nghiệp đều phải cam kết với thành phố giảm giá từ 3-5% so với giá tại thời điểm. Thực tế doanh nghiệp cũng không được hưởng lãi suất này mà chính lãi suất này để phục vụ cho việc dự trữ, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Đối với nhà sản xuất, giảm được 3-5% đã là rất quý, còn đối với nhà bán lẻ, giảm được 3-5% để cạnh tranh với thị trường hiện nay thì tôi cho đấy cũng là đóng góp không nhỏ.
Giá cả hàng hóa trong thời gian qua có chiều hướng tăng lên, thu nhập của người tiêu dùng không phải đã chấp nhận được mức tăng kể trên, cho nên đối với doanh nghiệp bán lẻ, chỉ chênh nhau 1-2% lợi nhuận cũng đã là con số phải tính toán rất kỹ.
Không đặt gánh nặng giảm giá
- Một số doanh nghiệp vẫn băn khoăn về tác động giảm giá của việc tạm ứng vốn này. Họ cho rằng thứ nhất số vốn được vay không tính lãi suất chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số tiền chuẩn bị hàng hóa Tết của doanh nghiệp; thứ hai, cuối năm là thời điểm các mặt hàng đều tăng giá rất dữ dội nên có chăng chỉ cầm cự được một thời gian nhất định chứ không thể kéo dài bình ổn giá được trong 5 tháng liền?
- Doanh nghiệp nói rất đúng. Con số 250 tỷ đồng là quá nhỏ so với sức mua của thị trường. Chỉ riêng tháng Tết, sức mua dự báo sẽ tăng thêm 30% so với tháng trước đó, đạt giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó đặt gánh nặng doanh nghiệp được ứng vốn phải chi phối được thị trường là điều không phải.
250 tỷ đồng này không phải để doanh nghiệp giảm giá, bởi yếu tố giảm giá hiện tại là gì khi các chi phí đầu vào từ giá xăng dầu, tỷ giá đôla, thuế nhập khẩu, chi phí tiền lương của người lao động đều tăng, chưa kể nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu sụt giảm do bão lụt, dịch bệnh…? Tất cả khiến cho nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh giá bán tăng lên.
Việc tạm ứng vốn này, các doanh nghiệp chỉ loại được mỗi tiền lãi ngân hàng nhưng ngược lại, họ phải cam kết giảm từ 3-5% giá thành. Có thể thấy, cái mà các doanh nghiệp được ở đây không nhiều trong khi lại phải gánh trách nhiệm rất lớn, đặc biệt là sự giám sát của các cấp quản lý nên họ không mặn mà lắm.
Về việc doanh nghiệp bán lẻ cho rằng số tiền được vay chỉ chiếm vài phần trăm trong số tiền chuẩn bị hàng Tết của họ thì tôi nhấn mạnh rằng, siêu thị có thể bán bất kỳ mặt hàng gì người tiêu dùng cần nhưng thành phố chỉ hỗ trợ một phần đối với những mặt hàng thiết yếu mà điều kiện dự trữ khó khăn, thường hay gây ra biến động.
Tất nhiên không thể bắt doanh nghiệp được ứng vốn phải giảm giá được nhưng điều đó không có nghĩa anh lợi dụng vốn thành phố hỗ trợ để dự trữ hàng hóa rồi bán giá thật cao lên, mà cái chính là anh phải tạo ra một mặt bằng giá để thị trường có một cái nhìn nhận, so sánh.
Biến động giá mạnh thường ở khu vực nội thành
- Qua danh sách 12 doanh nghiệp đợt này có thể thấy chương trình bình ổn hàng Tết chủ yếu tập trung vào khu vực nội thành, trong khi ngoại thành tập trung đến 2/3 dân số Hà Nội. Hơn nữa, chiếm số đông người mua sắm tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn là người có thu nhập ở mức trung bình khá trở lên. Như vậy một con số không nhỏ người dân sẽ không được thừa hưởng chính sách bình ổn này. Quan điểm của bà như thế nào?
- Chúng ta phải rất uyển chuyển, linh hoạt, thị trường từng khu vực cần cái gì, cái gì hay biến động, chất lượng không đảm bảo thì chúng ta phải chú trọng. Nhìn chung, biến động giá đột biến thường xảy ra ở nội thành, nơi tập trung sức mua lớn.
Các mặt hàng được tiêu thụ mạnh và có biến động giá nhiều nhất dịp Tết thường là nhóm thực phẩm tươi sống mà nhóm này người dân ngoại thành lại tự sản tự tiêu ở mức độ tương đối. Thứ hai, ở thị trường nông thôn nhóm hàng này lại không hay xảy ra biến động nhiều như khu vực nội thành.
Tôi không chủ quan nhưng thường quy luật chưa diễn ra điều đấy bởi nguồn hàng ở trong dân rất lớn, điều kiện giết mổ và kinh doanh thịt lợn ở thị trường nông thôn rất đa dạng, khả năng ứng cứu rất nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của bà con ở các chợ dân sinh. Còn để được chuyên chở một con lợn từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng ở nội thành là cả một quá trình cần phải có dự trữ, có quy mô tập trung.
Thị trường nông thôn, chúng tôi không chú trọng lắm mặt hàng gạo và thịt tươi sống như nội thành mà quan tâm đến nhu cầu bánh mứt kẹo bởi người dân ở đây không sản xuất được mà một bộ phận kinh doanh lại hay lợi dụng kinh doanh những mặt hàng rẻ tiền chất lượng kém.
Để phục vụ nhu cầu của bà con vùng ngoại thành, thời điểm cuối tháng 1 và đầu tháng 2, chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng thiết yếu về phục vụ bà con tại các xã ngoại thành Hà Nội. Trong 3 tháng qua, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, hệ thống siêu thị Fivimart và BigC đã phối hợp thực hiện được 38 chuyến hàng như vậy. Trong đó phản ứng của bà con rất tốt, có những điểm doanh số bán ra đạt mấy trăm triệu đồng một ngày.
- Xin cảm ơn bà!
12 doanh nghiệp được ứng vốn bình ổn hàng Tết của thành phố: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội; Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội; Công ty Cổ phần Nhất Nam; Công ty Cổ phần Intimex; Công ty TNHH Chế biến Lương thực Thực phẩm Thái Dương; Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh; Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Hưng; Công ty Lan Chi; Công ty TNHH 2/9; Công ty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Phúc Thịnh. |