Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 khách sạn ở Lâm Đồng bị khuyến cáo

Theo báo Tổ Quốc
Chia sẻ Zalo

Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung dẫn đầu đã khuyến cáo 3 khách sạn ở Lâm Đồng và cho thời hạn 3 tháng để sửa chữa, khắc phục yếu kém. Nếu sau 3 tháng không có chuyển biến, Tổng cục Du lịch sẽ thu hồi hạng sao.

Sáng 10/10, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Du lịch cho biết, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã có chuyến kiểm tra, rà soát chất lượng cơ sơ lưu trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 7-8/10.

Trong 2 ngày kiểm tra, Tổng cục Du lịch đã kiểm tra tổng cộng 10 khách sạn trên địa bàn tỉnh, trong đó có một khách sạn 5 sao; năm khách sạn 4 sao và bốn khách sạn 3 sao.

Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá, nhìn chung, so với các địa phương khách, chất  lượng cơ sở lưu trú ở Lâm Đồng đạt chất lượng tốt, không bị chênh lệch quá lớn giữa hạng sao đang được công nhận và thực tế kiểm tra. Các hạng mục về trang thiết bị cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn an ninh, phòng cháy chữa cháy…

 Khách sạn VietsovPetro là một trong ba khách sạn bị cảnh cáo tại Đà Lạt (dalat-info)

Trong số 10 khách sạn kiểm tra đợt này, chỉ có 3 cơ sở bị khuyến cáo và cho thời hạn 3 tháng để khắc phục yếu kém, đầu tư nâng cấp, bao gồm: Khách sạn VietsovPetro (4 sao, 7 Hùng Vương); Khách sạn TTC Ngọc Lan (4 sao, 42 Nguyễn Chí Thanh); Khách sạn Đại Lợi (3 sao, 67 Bùi Thị Xuân). Ông Chung cho hay, nếu trong thời hạn 3 tháng, các cơ sở lưu trú nêu trên không khắc phục được những điểm yếu kém, Tổng cục Du lịch sẽ ra quyết định thu hồi hạng sao.

Sau 3 tháng, Tổng cục Du lịch có thể trực tiếp vào kiểm tra hoặc ủy quyền cho Sở VHTT&DL Lâm Đồng kiểm tra lại dựa trên biên bản đã lập giữa đoàn kiểm tra và khách sạn, xem xét lại những nội dung khuyến cáo. Nếu đoàn kiểm tra thấy đã khắc phục, có chuyển biến thì tiếp tục duy trì hạng sao, nếu không có sự chuyển biến thì sẽ thu hồi hạng sao chứ không để kéo dài.

Tại Lâm Đồng, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VHTT&DL Lâm Đồng tổ chức Hội nghị với sự tham gia của khoảng 50 cơ sở lưu trú từ 1-5 sao nhằm quán triệt chủ trương của Thủ tướng và Bộ VHTT&DL về du lịch, đồng thời xác định việc kiểm tra này vào thường xuyên, tự mỗi khách sạn phải chủ động nâng cao chất lượng vì thương hiệu của khách sạn chứ không vì phục vụ việc kiểm tra. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở VHTT&DL Lâm Đồng tăng cường ý thức kiểm tra trên địa bàn và coi đây là nhiệm vụ quản lý Nhà nước thường xuyên của Sở, đặc biệt quan tâm đến những khách sạn 1-2 sao thuộc quyền cấp phép của Sở.

Theo đánh  giá của Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, điều ấn tượng nhất sau đợt kiểm tra tại Lâm Đồng là chất lượng nguồn nhân lực khách sạn của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung vượt trội hơn hẳn các địa phương khác, từ nhân lực có chất lượng trung cấp cho đến thạc sỹ, tiến sỹ đều tốt hơn các địa phương đã từng được kiểm tra. Theo ông Chung, điều này cho thấy hai mặt: Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng là địa phương có sự phát triển sớm về du lịch, cho nên nguồn nhân lực du lịch được đào tạo, bồi dưỡng tốt. Tất cả khách sạn đều đạt chuẩn hoặc vượt mức cho phép về chất lượng nguồn nhân lực ở các hạng  mục: buồng, bàn, bar, bếp…Điều này cũng cho  thấy việc đầu tư bất động sản trong lĩnh vực du lịch không có sự bùng nổ, quy mô ngành du lịch Đà Lạt không lớn, sự chuyển dịch về nhân lực du lịch không nhiều… Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy mặt trái của ngành du lịch Lâm Đồng là thiếu nhà đầu tư chiến lược trong ngành du lịch, số lượng khách sạn mới không nhiều…

Dự kiến, cuối tuần, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu sẽ kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh