Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 khâu quan trọng để giải phóng nguồn lực trong dân

Vũ Minh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) nêu 3 khâu để giúp giải phóng nguồn lực trong dân.

Sáng 2/11, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, ĐB Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội), Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cần phải tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng và nhân lực để tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế những năm tới, tránh hiện tượng "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống".
 Đại biểu Lê Quân.
Theo ĐB Lê Quân, Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được chuẩn bị rất công phu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, có tính khoa học và thực tiễn cao, có nhiều điểm mới cả về tư duy, cách tiếp cận và định hướng chính sách. Kế hoạch tái cơ cấu lần này đã chú trọng phân vai trò rõ ràng. 
Vai trò của chính sách ở nhà nước kiến tạo, vai trò của doanh nghiệp bao gồm các ngân hàng và thị trường tài chính, thị trường lao động chịu trách nhiệm tái cơ cấu. Kế hoạch tập trung vào điều chỉnh phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để nguồn lực cho nền kinh tế chảy theo tín hiệu thị trường. Qua đó, tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch. 
Tuy nhiên, theo ĐB Lê Quân: Kế hoạch chưa phân tích đầy đủ về tác động của tái cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân. 
Trong khi, đời sống và hạnh phúc của người dân mới là mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu kinh tế. Chưa thấy đề cập đủ và đúng mức quan điểm về phát triển nhân lực, đào tạo, bố trí, sắp xếp công ăn việc làm, quan điểm phát triển thị trường lao động, tái cấu trúc khu vực đào tạo giáo dục, đào tạo nghề và các chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực này. 
Do đó, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm vấn đề tái cấu trúc liên quan đến nguồn nhân lực trong giai đoạn tới. Đồng thời, kế hoạch cũng chưa đề cập tương xứng với câu hỏi hiện nay là làm thế nào huy động được nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế. Báo cáo gần đây cho thấy 500 doanh nghiệp Việt Nam có suy hướng suy giảm rõ rệt cả về tăng trưởng lẫn hiệu quả và hầu hết chúng ta chưa có các doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu và sản phẩm mang tính chất quốc tế, tầm quốc tế. Vậy câu hỏi là nguyên nhân từ đâu, có phải tại các doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn. 
Các câu hỏi trong đề án phải trả lời được những nguyên nhân. Bởi khi kế hoạch tái cơ cấu chưa làm rõ được câu trả lời có phải vì do niềm tin khi đầu tư hoặc đơn thuần là vấn đề thủ tục, môi trường kinh doanh hoặc trong bối cảnh hiện nay đang thiếu rất nhiều cơ hội đầu tư để các khu vực tư nhân có thể tham gia. 
“Tôi cho rằng trong bối cảnh cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước nếu vẫn chạy theo đầu cơ ngắn hạn như trong giai đoạn vừa qua thì sẽ không có chuyển dịch cơ cấu về mặt thực chất. Do vậy, tôi cho rằng kịch bản của Chính phủ đưa ra khi lựa chọn phương án tái cơ cấu, chúng ta tái cơ cấu cơ bản và quyết liệt tại một số khâu cần phải chỉ rõ và mạnh hơn ba khâu rất quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân”, ĐB Lê Quân nêu. 
Từ đó, ĐB Lê Quân đề nghị: Thứ nhất, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi. Không coi một số doanh nghiệp nhà nước là con bò sữa của ngân sách, bởi sau thoái vốn các con bò sữa này sẽ cho sữa nhiều hơn do hoạt động thường hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn. Thoái vốn sẽ giúp nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân, hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. 
Do đó, để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ. 
Thứ hai, cần đẩy mạnh hợp tác công tư. Trong kế hoạch tái cơ cấu và kế hoạch đầu tư trung hạn còn rất mờ nhạt về giải pháp này. Trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công. Có thể nhận thấy, hình thức này sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao... Hình thức này thời gian qua đã thu hút được rất nhiều vốn xã hội vào phát triển hạ tầng. Lỗi không phải do BOT mà lỗi do quản lý chưa tốt dẫn đến phí và giá chưa tương xứng với chất lượng. 
Thứ ba, trong đề án cũng đã mạnh dạn đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập và hiện kế hoạch cũng tính đến giao tự chủ và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 
Như vậy chỉ giải quyết được một phần, Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp. Những đơn vị hoạt động tốt, có cơ chế quản lý tốt, có tiềm lực thì có thể giao tự chủ để phát triển và tiếp tục được đầu tư. Còn rất nhiều các đơn vị khác hoạt động có chức năng chồng chéo, kém hiệu quả, nguồn thu dựa chủ yếu vào cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa, thu hút các nhà đầu tư tư nhân và tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân có cơ hội để đầu tư và xuống vốn trong các khu vực này. 
Đồng thời, xem lại tính kết nối và lôgíc giữa các kế hoạch, như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính trung hạn. Vì trong các kế hoạch này, sự kết nối và tính lôgíc trong quy trình chưa cao. Trong khi kế hoạch tái cơ cấu thì chúng ta cố gắng đưa theo quan điểm chủ đạo là kiến tạo như trong một số kế hoạch đầu tư công và kế hoạch tài chính chúng ta vẫn xây dựng theo quy trình từ dưới lên, mang tính chất hành chính khép kín nhiều, do đó chúng ta nên có những tính kết nối.  
Ngoài ra, trong đề án cũng nên bổ sung các mục tiêu sau giai đoạn 2020, vì theo tôi giai đoạn 2017 - 2020 chúng ta tập trung nhiều vào sự kiến tạo để làm sao có sự đột phá về tái cấu trúc mạnh hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.