Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Phú Thái - nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân |
Vui vì chiến thắng đã được nâng tầm, tuy nhiên, Trung tướng Phạm Phú Thái vẫn băn khoăn vì bấy lâu nay, khi đề cập đến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chủ yếu đề cập đến 12 ngày đêm oanh liệt, ít nhắc đến những yếu tố, bối cảnh khác. “Đây chỉ như trận đánh cuối cùng, như trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng để có được cú “nốc ao” đó là cả quá trình chuẩn bị, chiến đấu trường kỳ. Trận này cho Mỹ phải “lấm lưng, trắng bụng” cả ở chiến trường và trên mặt trận ngoại giao, nhưng cần có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn” - Trung tướng Phạm Phú Thái nhấn mạnh. Như biết bao sự hy sinh của rất nhiều chiến sỹ ở tiền tuyến máu lửa, biết bao sự mất mát của các gia đình khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Rồi cả quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của quân ta để hạ gục được máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương khác.Bởi từ tiên đoán tài tình của Bác “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Ngay từ tháng 5/1966, Quân chủng PK - KQ đã tổ chức cho Trung đoàn tên lửa 238 (Sư đoàn 363) cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh tại chiến trường Vĩnh Linh. Trải qua gần một năm vừa hành quân vừa chiến đấu, hai phân đội 81 và 83 thực hiện nhiệm vụ phục kích đánh B52. Trung đoàn đã tổ chức nghiên cứu tìm hiểu B52 từ những trận mưa bom để quan sát trực tiếp từ những vệt khói, từ các bài bom nổ để phân tích đội hình bay và chiến thuật hoạt động của B52. Rồi máy bay Mig cũng được bí mật đưa vào Đồng Hới và Vũ Đình Rạng là phi công đầu tiên bắn trọng thương B52 từ năm 1971. Đây là những kinh nghiệm cực kỳ quan trọng được quân ta đúc rút để sẵn sàng giăng lưới “bắt” B52.
Xác máy bay trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng B52. Ảnh: Thanh Hải |