Được biết, trong năm 2016, Bộ TT&TT sẽ cấp phép triển khai công nghệ 4G cho các nhà mạng Việt Nam, đây là thời điểm được nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng phù hợp đối với tình hình của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng Internet of things (Internet vạn vật) đang từng bước phát triển mạnh mẽ ở nước ta.
Để nhận thấy được tầm quan trọng của mạng 4G với Internet of things, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương về vấn đề này:
- Theo ông, công nghệ 4G có thực sự cần thiết đối với xu hướng Internet of things ?
Ông Thiều Phương Nam: Mục đích Internet of things là hướng tới vạn vật trên thế giới đều được kết nối với nhau, cụ thể hơn là các thiết bị dành cho con người sẽ đều được liên kết lại. Chính vì vậy hạ tầng viễn thông là một yếu tố bắt buộc phải có, đặc biệt 4G được xem là một trong những yếu tố sống còn để thực hiện mục tiêu này.
Điều này cũng thể hiện đúng xu hướng hiện nay khi 4G đang phát triển rất nhanh trên thế giới, hiện tại có khoảng 670 nhà mạng tại 150 quốc gia đang đầu tư triển khai công nghệ này. Và cũng như 3G những năm về trước, đây sẽ là dịch vụ mạng phổ biến nhất trong thời gian tới và với nhiều quốc gia 4G đang là công nghệ kết nối di động chính ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, 4G còn mang lại nhiều lợi ích cho cho cộng đồng hệ sinh thái di động, trong đó có người dùng, nhà mạng, nhà phát triển nội dung, nhà sản xuất thiết bị. Đặc biệt, với lợi ích dành cho người tiêu dùng là rất lớn, 4G sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chính vì vậy cần khẳng định, 4G có vai trò quan trọng đặc biệt trong Internet of things với tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
- Sau khi triển khai 4G, Việt Nam cần làm gì đối với 3G để vẫn khai thác được lợi ích từ các công nghệ này, thưa ông ?
Ông Thiều Phương Nam: Kể cả khi 4G ra đời thì 3G vẫn sẽ tồn tại song song ở Việt Nam trong một thời gian dài. Liên quan tới vấn đề công nghệ, nếu kết hợp tốt giữa 3G và 4G sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả nhà mạng lẫn người dùng.
Ví dụ như với những vùng sâu, vùng xa của Việt Nam, việc sử dụng 4G sẽ rất khó khăn, thay vào đó triển khai 3G sẽ dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn. Từ đó có thể thấy, Việt Nam đầu tư 4G không có nghĩa là bỏ 3G mà vấn đề nằm ở chỗ, làm sao tìm ra cách thức tối ưu nhất để vẫn tận dụng được hạ tầng hiện có của 3G và triển khai một cách hiệu quả 4G trên nền công nghệ này.
- Có ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn có thể bỏ qua 4G để lên hẳn 4,5G. Ông có nhận định gì về điều này?
Ông Thiều Phương Nam: Đây là điều hoàn toàn có thể và cũng rất khả thi để thực hiện. Vào thời điểm 4 năm trước, khi 4G mới ra đời, công nghệ tích hợp sóng tiến đến 4,5G chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng tới hiện tại, điều này không còn là trở ngại lớn.
Nhiều quốc gia triển khai 4G đang có xu hướng chuyển sang 4,5G. Nếu như vào tháng 1/2015, theo thống kê của Qualcomm, mới chỉ có 20 nhà mạng trên thế giới chuyển sang 4,5G thì vào tháng 7/2015, con số này đã lên tới 73 mạng. Hiện tốc độ cao nhất của 4,5G là 600Mbps.
Vâng, xin cám ơn ông !
Ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông dương
|