Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tháng, 5 lần tăng giá: Vẫn quá phụ thuộc vào sữa ngoại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước.

Cùng với những bất cập trong công tác quản lý thì đây là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc, mỗi khi DN nhập khẩu, phân phối các nhãn hiệu sữa nước ngoài tăng giá, thị trường sữa trong nước lại điều chỉnh tăng theo.

Giá tăng mạnh

Ngày 11/6, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị phân phối sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Abbott đã thông báo tăng từ 10 - 15% giá bán một số sản phẩm. Theo đó, các dòng sản phẩm Gain Plus IQ tăng tới 32.000 đồng/hộp 900gr, từ 440.000 đồng/hộp lên mức 472.000 đồng/hộp. Sữa bột Glucerna dành cho người tiểu đường tăng 57.000 đồng/hộp 900gr, lên mức từ 660.000 - 663.000 đồng/hộp. Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2013, sữa bột Abbott tăng giá, vào tháng 2/2013 nhãn hiệu sữa này cũng đã tăng giá từ 7 - 9% so với giá cũ.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay các hãng sản xuất, nhập khẩu sữa đã 5 lần tăng giá bán. Trong quý I/2013, giá sữa cả nội lẫn ngoại đã 3 lần liên tục được điều chỉnh tăng, giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng từ 7 - 10%, thậm chí có loại tăng 13 - 15%. Đầu tháng 4/2013, thị trường sữa lại đón nhận đợt tăng giá mới của các hãng sữa ngoại với việc nhãn hiệu sữa Nestle tăng thêm từ 8 - 9%; Sữa Physiolac cũng tăng giá 15%.

Các DN nhập khẩu, phân phối sữa mỗi khi tăng giá đều đưa ra "điệp khúc" quen thuộc như: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã… Trong khi số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy: Giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

6 tháng, 5 lần tăng giá: Vẫn quá phụ thuộc vào sữa ngoại - Ảnh 1

Lựa chọn mua sữa bột tại Siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Phát triển nguồn nguyên liệu trong nước

Việc giá sữa liên tục tăng giá nhưng cơ quan quản lý không thể ngăn chặn cho thấy, DN hoạt động trong ngành sản xuất sữa quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả, thậm chí phương thức mua bán.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 70% lượng sữa nhập khẩu có đến 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm. Ngoài ra, do người tiêu dùng trong nước vẫn có xu hướng lựa chọn sữa nhập khẩu với tâm lý "sữa ngoại nhập tốt hơn sữa nội". Chính vì vậy, mặc dù các DN nhập khẩu sản phẩm này buộc phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhưng việc khai báo giá có chính xác hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức, trách nhiệm từng DN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý không thể kiểm soát giá sữa, bởi mặt hàng này không nằm trong nhóm hàng do Nhà nước định giá.

Tại Hội thảo "Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững", do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Trịnh Quý Phổ - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: Việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước cho ngành sữa không đủ là do trình độ và quy mô chăn nuôi bò sữa trong nước quá nhỏ, năng suất và chất lượng đều chưa đạt yêu cầu. Do chăn nuôi bò sữa manh mún nên việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù rất được quan tâm nhưng gặp nhiều khó khăn.Để chủ động được nguồn sữa bò tươi, một số DN như Vinamilk đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển đàn bò sữa. Hiện, Vinamilk đã có 5 trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn cung cấp gần 2.000 tấn sữa nguyên liệu mỗi năm. Việc các DN sản xuất sữa trong nước đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất là hướng đi đúng đắn, nhưng một mình DN là không đủ. Để tạo điều kiện cho DN phát triển vùng nguyên liệu, trong thời gian tới Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cụ thể như: Cấp đất xây trang trại; Xây dựng các cơ sở thu gom sữa từ dân, qua đó kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, DN cũng cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng hàng trong nước sản xuất.