Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tháng đầu năm: Thấy gì trong cơ cấu tăng trưởng GDP?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đóng góp vào tăng trưởng của các yếu tố sản xuất thực như công nghiệp, xuất nhập khẩu không có mấy ý nghĩa.

KTĐT - Đóng góp vào tăng trưởng của các yếu tố sản xuất thực như công nghiệp, xuất nhập khẩu không có mấy ý nghĩa.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 15,7% và nhập khẩu tăng tới 29,4% so vùng kỳ, tuy nhiên đóng góp vào GDP rất hạn chế. Trong khi đó, giá trị tăng thêm trong sản xuất công nghiệp không theo kịp tốc độ tăng giá trị sản lượng.

Ở nửa còn lại của năm 2010, có thể tăng trưởng sẽ phục hồi, nhưng áp lực lên tỷ giá và lạm phát vẫn còn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm (hiện là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) đã chia sẻ quan điểm với báo giới.

Theo ông, yếu tố nào đang dẫn dắt tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua?

Chúng tôi tính toán sơ bộ GDP theo phương pháp sử dụng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2010 tiêu dùng tăng gần 11% và tích lũy tăng khoảng 12%, là hai yếu tố quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng GDP 6,14%.

Hai chỉ tiêu này của 6 tháng đầu năm 2009 đạt thấp trong bối cảnh suy giảm kinh tế của nước ta, tiêu dùng giảm tương ứng 1,4% và tích lũy giảm 6%.

Với thị trường gần 87 triệu dân, sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước chiếm tỷ trọng khá lớn, đồng thời trước xu thế bảo hộ sản xuất trong nước của nhiều nước trên thế giới, tiêu dùng và đầu tư trong nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng trưởng GDP của nước ta.   

Vậy còn hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 15,7% và 29,4%, đã có đóng góp gì cho tăng trưởng 6 tháng qua?

Cũng theo cách tính trên, chúng tôi thấy rằng, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,5%. Cơ cấu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm trên 90% trong tổng giá trị nhập khẩu và nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao đã phản ánh vai trò quan trọng của lĩnh vực xuất, nhập khẩu trong tăng trưởng 6,14% của 6 tháng đầu năm 2010.

Tuy nhiên, nhập khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm phụ thuộc khá nhiều vào một số thị trường như: từ Trung Quốc chiếm 23,45%; ASEAN (20,1%), Nhật Bản (10,3%), Đài Loan (8,2%)...

Cho nên, trong những tháng tới, khi đồng nội tệ của một số nước và vùng lãnh thổ này tăng giá so với đồng USD, sẽ gây khó khăn cho nhập khẩu nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của nước ta, đồng thời làm tăng thêm nhập siêu của nước ta đối với những nước, vùng lãnh thổ và khu vực này.

Cũng liên quan đến đóng góp vào tăng trưởng, gần đây xuất hiện những lo ngại rằng, sự thay đổi trong cơ cấu công nghiệp, cùng với việc tăng chi phí trung gian đã dẫn đến hiệu quả ngành này giảm dần. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Có hai lý do giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến đầu tư từ tất cả các thành phần kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tập trung khá lớn vào công nghiệp chế biến. Tính riêng năm 2009, công nghiệp khai thác mỏ chiếm 23,05%, công nghiệp chế biến chiếm 48,14%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước chiếm 28,81% giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, đang có sự thay đổi tỷ trọng giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp. Với công nghiệp khai thác mỏ, nếu như năm 2000 chiếm 24,17% trong tổng giá trị tăng thêm toàn bộ khu vực công nghiệp, thì tới năm 2009, tỷ trọng này giảm xuống còn 13,55%.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến với đặc trưng là gia công và lắp ráp phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, nhưng đóng góp vào GDP không lớn vì tỷ lệ giá trị tăng thêm trong một đơn vị sản phẩm thấp. Nếu năm 2000, công nghiệp chế biến chiếm 67,52% trong tổng giá trị tăng thêm toàn khu vực công nghiệp, thì tới năm 2009 đạt tới 76,77%.

Thứ hai, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất có xu hướng tăng qua các năm là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa do mức độ chuyên môn hóa ngày càng cao trong sản xuất công nghiệp, dẫn tới chỉ tiêu giá trị sản xuất bị tính trùng càng nhiều, thông qua chi phí trung gian tăng.

Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn tới nhiều ngành sản xuất đang từng bước đổi mới công nghệ, sử dụng máy móc thiết bị thay thế cho lao động. Điều này làm tăng chi phí nhiên liệu, điện và các chi phí khác có liên quan trong quá trình sản xuất.

Chẳng hạn, chi phí về than các loại trong công nghiệp chế biến tăng 0,092% so với giá trị sản xuất, nghĩa là để cùng sản xuất ra 1.000 đồng giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến thì năm 2000 chỉ cần 8,5 đồng tiền than, nhưng đến 2005 phải cần tới 13,9 đồng, tăng 63,5%. Tương tự như vậy, chi phí về xăng dầu tăng 40,99%, điện và gas tăng 17,7%...

Có thể hiểu là những thay đổi này khiến cho tăng trưởng sẽ còn khó khăn hơn. Vậy Tổng cục Thống kê tính toán như thế nào khi dự báo GDP năm nay tăng từ 6,5-6,8%?

Chúng tôi đã tính đến một số nhân tố tác động đến tăng trưởng để cho ra kết quả GDP tăng từ 6,5-6,8%. Thứ nhất, kinh tế thế giới và kinh tế của các nước hàng đầu có dấu hiệu phục hồi rõ nét là động lực mở rộng sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm, khu vực sản xuất của thế giới đạt mức sản lượng khá cao, chỉ số sản xuất toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 5 liên tục tăng, đạt mức 56,7 điểm vào tháng 3 và 57,8 điểm vào tháng 4.

Lòng tin của người tiêu dùng trên thế giới đã tăng trở lại, theo tổ chức nghiên cứu Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu đạt mức 92/100, bằng mức trước khủng hoảng và cao hơn so với mức 77/100 của năm 2009. Dự báo cả năm chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục tăng. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 đạt 4,2%, trong đó các nền kinh tế phát triển đạt 2,3%; các nền kinh tế đang nổi đạt 6,3%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế châu Á tăng 7,5% trong năm 2010…

Thứ hai, kinh tế nước ta có độ mở khá cao với tỷ lệ xuất khẩu và nhập khẩu so với GDP của năm 2009 lần lượt là 62,15% và 75,6%. Những tỷ lệ này của 6 tháng đầu năm 2010 lần lượt là 77,0% và 85,9%.

Với kinh tế thế giới và đặc biệt kinh tế của các nước là bạn hàng quan trọng của Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng trở lại sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP của nước ta trong 6 tháng cuối năm 2010.

Thứ ba, sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 57,8%, và nhu cầu đối với hạ tầng cơ sở, bất động sản còn rất cao là triển vọng tốt cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài những thuận lợi trên, nền kinh tế còn phải đối mặt với những rủi ro nào trong nửa cuối năm nay?

Theo tôi, việc cắt giảm lãi suất, tăng tín dụng cho vay, tăng tổng phương tiện thanh toán sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái giữa VND và một số ngoại tệ chủ yếu như Nhân dân tệ, USD, Euro có thể biến động. Đồng thời, việc các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu thực hiện chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách, bảo hộ sẽ gây bất lợi cho cán cân thương mại của nước ta.

Ngoài ra, kinh tế thế giới phục hồi làm cho giá xăng dầu, vật liệu sản xuất, giá lương thực thực phẩm tăng, cùng với hai yếu tố ở trên là các dấu hiệu của nguy cơ tái lạm phát.