Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

60% người lành nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh

Uyên Nhật
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Kháng kháng sinh: Từ nghiên cứu tới hành động” do Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức JICA tổ chức sáng 11/1.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc trong chuỗi thực phẩm tại Việt Nam” (SATREPS). Dự án do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với sự tham gia của 6 viện nghiên cứu và các trường ĐH hàng đầu Nhật Bản, cùng Viện Dinh dưỡng, Trường ĐH Y dược Thái Bình, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh…
 Ảnh minh họa
Bà Bùi Thị Mai Hương - Khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng cho biết, theo kết quả nghiên cứu ban đầu từ Dự án SATREPS thì thực trạng phổ biến vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm ở Việt Nam đã ở mức báo động. Cụ thể, có hơn 60% người lành mang trùng nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh và khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và chăn nuôi tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả tương đồng với các nước Đông Nam Á và đều cần có các giải pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, để đánh giá mức độ ô nhiễm E.coli (có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng), các nghiên cứu viên đã tiến hành thu thập 330 mẫu thực phẩm phân phối ở các hệ thống chợ, siêu thị và lò giết mổ tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả, E.coli sinh men ESBL được phát hiện trong 150/330 mẫu thực phẩm (tương đương 45,5%). Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao ở thịt lợn (34,8%), thịt bò (34,3%), cá/tôm (29,3%). Đáng báo động là, tỷ lệ ô nhiễm vi khuẩn E.coli sinh ESBL từ các mẫu thịt gà thu thập từ các lò giết mổ lên đến 100%. Nguyên nhân có thể  bị ô nhiễm vi khuẩn trong quá trình giết mổ, sử dụng nước để làm sạch lông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang rất nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm soát, hạn chế thấp nhất tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Trong đó, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân và chủ động kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, tới đây, ngành y tế sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, giám sát việc kê toa.